Bất kỳ ai khi nhiễm Covid-19 đều có thể tử vong
Trong 18 bệnh nhân nặng được hội chẩn, có 4 trường hợp trẻ tuổi (từ 35 – 37 tuổi) không có tiền sử bệnh lý; 14 bệnh nhân còn lại tuổi từ 50-81 tuổi, có nhiều bệnh lý nền phức tạp như: Ung thư gan, ung thư phổi, xơ gan, tăng huyết áp, tiểu đường lâu năm, suy thận mạn, phổi tắc nghẽn mạn tính…
Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng rất nặng, tiên lượng tử vong như ca bệnh 3.153, ca bệnh 3.780 (bị ung thư phổi khá lâu), ca bệnh 3.019 (ung thư phổi di căn xương). Do đó, việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là một hành trình khó khăn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn cho biết.
Đặc biệt, trong đợt dịch này, có những bệnh nhân trẻ, không tiền sử bệnh tật vẫn trở nặng nhanh. Đơn cử như ca bệnh 3.263 (35 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) – là trường hợp liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Bệnh nhân này đang mang thai 22 tuần, phát hiện dương tính ngày 9-5. Từ 18-5, bệnh nhân suy hô hấp, phải đặt ống nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, hiện sức khỏe của bệnh nhân và thai nhi đã có dấu hiệu tốt lên.
Một trường hợp khác, một bệnh nhân nam trẻ tuổi khác là nam bác sĩ 37 tuổi, không có bệnh lý nền. Hiện, bệnh nhân đã hạ sốt, đang thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục quả lọc oxiris; duy trì an thần, giãn cơ, chăm sóc hô hấp.
Người thứ ba cũng có tiền sử khỏe mạnh nhưng diễn biến tăng nặng nhanh khi nhiễm SARS-CoV-2 là ca bệnh 3.207 (37 tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ngày 7-5, sau khi xuất hiện sốt, ho, tức ngực, người đàn ông trẻ tuổi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị 4 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C, suy hô hấp tăng, phải thở oxy dòng cao (HFNC) rồi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Hiện, hình ảnh X-quang phổi của bệnh nhân cho thấy, đã mờ lan tỏa 3/4 trường phổi. Hiện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi ARDS nặng (suy hô hấp cấp tiến triển) do SARS-CoV-2.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, khi so sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau, các nhà thống kê thường dùng khái niệm tỷ suất chênh (Odd Ratio – OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong. Thống kê trên 64.781 bệnh nhân Covid-19 nặng tại 592 bệnh viện ở Mỹ năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân Covid-19 nặng khoảng 20,3%. So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi tuổi có tỷ suất chênh OR=16,2. So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân có bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn với tỷ suất chênh OR=1,9.
“Điều này có nghĩa là nếu mỗi 100 bệnh nhân nặng tiền sử trẻ khỏe có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 66 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có có bệnh tiểu đường sẽ tử vong khoảng 32 người. Khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng, đều có thể tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lý giải.
Nguy cơ tử vong phụ thuộc nhiều yếu tố
Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 27-4 đến nay, chỉ trong gần 1 tháng, Việt Nam ghi nhận gần 1.900 bệnh nhân, tương đương lượng bệnh nhân cả năm ngoái. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.
Tính đến chiều 21-5, cả nước có 65 ca tiên lượng nặng, 55 ca tiên lượng rất nặng, 2 ca tiên lượng tử vong, trong đó có 1 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Theo diễn biến điều trị, hiện có 71 ca thở oxy, 7 ca nặng – thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch – thở máy xâm nhập và 3 bệnh nhân phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, hiện đang điều trị 360 bệnh nhân, trong đó khoảng 20% là bệnh nhân nặng, gồm có 37 bệnh nhân phải thở oxy, 87 bệnh nhân có những bệnh lý nền, 19 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân phải chạy ECMO. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang điều trị 61 bệnh nhân có triệu chứng, trong đó có 20 ca thở oxy, 3 ca thở máy HFNC, 1 ca thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, nguy cơ tử vong của bệnh nhân Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa, phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng vi rút.
Ngoài ra, nó cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.
“Thực tế tại Ấn Độ cho thấy, khi hệ thống y tế bị quá tải thì không thể bảo đảm được việc điều trị có hiệu quả. Ở đợt dịch thứ 4 đang xảy ra tại Việt Nam, giải trình tự gen cho thấy, bệnh nhân chủ yếu nhiễm biến chủng vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được tìm thấy ở Ấn Độ (B.1.617.2). Đợt dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước. Bởi vì, đợt dịch này bùng phát cả ở trong những bệnh viện – nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền và cả ở trong cộng đồng tại nhiều địa phương và ở cả trong các khu công nghiệp lớn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Để hạn chế tỷ lệ tử vong, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, mà còn phải bảo đảm việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị. Hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly, giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị.
Ảnh : Tổng hợp
Nguồn: Báo mới