9 ngày trước, 1 bác sĩ bệnh viện Bênh nhiệt đới trung ương dương tính COVID-19 và sau đó ghi nhận chùm ca bệnh gồm cả bệnh nhân , người nhà, nhân viên y tế dẫn đến cách ly toàn bộ dẫn đến toàn bộ phải cách ly tập trung.
Ngay trong tối 5-5, hơn 800 “người Nhiệt đới” đã ở lại bệnh viện với 318 bệnh nhân, trong đó có những người rất nặng.
22h tối đầu tiên, nhiều y bác sĩ chưa ăn tối vì nhà ăn bệnh viện đột ngột không xoay xở kịp 800 suất ăn cùng lúc, y bác sĩ đã nhường cơm cho bệnh nhân ăn trước, y bác sĩ ăn mì gói sau.
Bác sĩ T.V.G. và vợ – cũng là bác sĩ – là 2 trong số hơn 800 “người Nhiệt đới” vừa sinh hoạt kiểu cách ly vừa chữa bệnh cho 318 bệnh nhân. Đêm qua, bác sĩ vừa nhận tin mẹ vợ đã qua đời sau 6 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Nhà ở ngay Bà Triệu, chỉ cách bệnh viện vài chục phút chạy xe, nhưng con gái và con rể không thể về…
“Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa???
Tôi của ngày hôm nay đấy!
Sáng, nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp, 1 người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện 2 vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được.
Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…”.
( Trích “Những chuyện không muốn chép lại” của bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương)
“Đồng nghiệp của tôi hiện tại đang chiến đấu với dịch bệnh không thể về lo tang mẹ được, thương và trân trọng những gì anh chị đã và đang cống hiến…
Mẹ đồng nghiệp bị ung thư phổi di căn xương, phổi. Cô luôn kiên cường chống chọi với bệnh tật, không bao giờ làm phiền ai, không để con cái lo lắng cho mình.
Mặc dù yếu nhưng cô luôn cố gắng chăm sóc hai cháu để anh chị yên tâm công tác. Cả năm nay anh chị đều rất ít khi ở nhà. Và bây giờ là đang cách ly tại bệnh viện. Anh là tiến sĩ, bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19. Chị cũng là bác sĩ của bệnh viện.
Gần đây, sau 6 năm chống chọi với bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn với tổn thương di căn xương, não, di căn phổi, tràn dịch màng phổi, những ngày cận kề cô chỉ có một ước muốn là chờ các con được về nhà và mẹ con gặp nhau lần cuối.
Nhưng cô đã không thể đợi được anh chị. Cô mạnh mẽ lắm, không một lời kêu ca, làm phiền đến ai cả, cứ một mình chịu đựng, một mình chiến đấu.
Cô luôn chu đáo việc nhà, cơm nước, đưa đón, chăm lo cho các cháu đi học. Những ngày cuối đời không có các con bên cạnh, mặc dù con cái ở ngay Hà Nội thôi mà sao xa xôi thế, cô đã không kịp gặp hai con. Thương cô và thương đồng nghiệp của mình quá”. Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẽ
Ảnh : Tổng hợp