Là một trong những thành viên tham gia hỗ trợ, bác sĩ trẻ Đặng Thanh Hào (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) đã nhiều lần tham gia chống dịch. Mới về nhà vài ngày, anh tiếp tục xung phong nhận nhiệm vụ mới vào tháng 8, khi biết TP.HCM cần thêm lực lượng y tế.
Khối lượng công việc nặng nề gấp 3 đến 4 lần!
Từng có kinh nghiệm trong hai lần tham gia công tác tại các khu cách ly tập trung vào tháng 3-2020 và tháng 6-2021, Thanh Hào cho biết công việc chống dịch cực hơn so với việc ở bệnh viện 3-4 lần.
“Một đội gồm 13-15 nhân viên y tế phải khám và chăm sóc cho 400-500 người bị cách ly. Bên cạnh công tác chuyên môn như kiểm tra sức khỏe hằng ngày (đo thân nhiệt, đo SpO2), cấp cứu các trường hợp bệnh trở nặng, nhân viên y tế còn kiêm nhiệm luôn lo khẩu phần ăn (phân loại cơm, cháo, đồ chay), tư vấn các vấn đề về tâm lý cho người cách ly…”Thanh Hào chia sẻ.
Dịch bệnh hoành hành kéo dài, có những ngày cả đội chưa kịp ăn cơm chiều đã phải gác đũa nhanh chóng tiếp nhận người cách ly từ 18h đến 1h sáng hôm sau, làm việc không ngơi nghỉ trong bộ đồ bảo hộ y tế ướt đẫm mồ hôi.
Trong những giây phút mệt mỏi như vậy, các thành viên trong đội chỉ biết động viên nhau qua ánh mắt và vài cái vỗ vai, hay tranh thủ khi chờ xe chở người cách ly vào cùng kể nhau nghe vài câu chuyện đùa giải trí để xua bớt những căng thẳng, mệt mỏi .
Thanh Hào kể: “Sang chảnh hơn nữa thì ngày sau đó chúng tôi sẽ tranh thủ tự nấu thêm vài món ngon để bổ sung vào bữa ăn, hoặc pha trà sữa để tặng và động viên nhau”,
Nếu nói về một trong những khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong hành trình “chiến đấu” tại khu cách ly tập trung, anh cho biết khó có thể quên được những lần chứng kiến người dân cách ly không đủ tiền trả kinh phí ăn uống (từng ở mức 80.000 đồng/ngày, nhưng hiện đã miễn phí hoàn toàn) đến ngày đủ điều kiện ra về.
“Nhiều thành viên trong đội y tế lúc đó đã tự gây quỹ để hỗ trợ họ. Chuyện này không có gì to tát, vì ngoài xã hội biết bao người làm được điều vĩ đại hơn. Chúng tôi làm vì hiểu và tin rằng chẳng ai muốn bị cách ly cả, nên nếu còn sức, sẽ còn đùm bọc nhau”, Thanh Hào tâm sự.
Người thân ở nhà lo lắng, nhưng vẫn luôn ủng hộ
Vào đầutháng 8, Thanh Hào sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ tại một bệnh viện dã chiến.
“Lần này đối tượng chúng tôi phụ trách là các F0 với biến chủng mới, có khả năng lây cao và tốc độ lây nhanh hơn. Bản thân chúng tôi phải chuẩn bị sẵn tâm lý, với khả năng phơi nhiễm lớn hơn, phải trang bị bảo hộ tốt hơn và tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng chống lây nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ”, anh chia sẻ.
Việc thành lập các khu cách ly quá nhanh, khó có sự chuẩn bị chu đáo kịp thời một cách đồng bộ do số lượng F0, F1 tăng nhanh chống mặc (sẽ nhiều thử thách trong việc cung ứng kịp suất ăn, nước uống, vật dụng sinh hoạt cá nhân và công tác vệ sinh quá tải…), dẫn đến người cách ly dễ sinh tâm lý ức chế vì thiếu hụt, dễ hoang mang và phản ứng thái quá, vì vậy sẽ gây sức ép tâm lý với đội ngũ phục vụ cũng như nhân viên y tế.
Anh biết gia đình luôn rất lo lắng mỗi khi anh vác balô lên đường chống dịch, dù vậy anh vẫn được sự ủng hộ hết mình từ cha mẹ. “Có lẽ gia đình cũng hiểu đây là nhiệm vụ của nhân viên y tế, chúng tôi phải đi đầu”, anh tâm sự.
Báo Tuổi Trẻ