Mới đây TP.HCM đã cho phép các loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống được bán lại bằng hình thức bán mang về, khiến nhiều người cảm thấy háo hức. Nhưng chưa được bao lâu thì người tiêu dùng lại phải choáng vì giá mà món ăn họ nhận lại cao gấp 2-3 lần bình thường.
Chị Thanh Loan (Q.5) chia sẻ: “Khi biết dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại, tôi lập tức tìm đến món ăn khoái khẩu quen thuộc. Thế nhưng tôi đã choáng váng với giá ổ bánh mì nhân thịt Huỳnh Hoa được rao bán trên Facebook lên đến 75.000 đồng/ổ, chưa tính phí ship 30.000 đồng.
Muốn ăn phải trả tổng cộng 105.000 đồng cho ổ bánh mì, cao gấp 3 lần bình thường . Nhìn phí ship xong hết muốn ăn, nhiều khi thèm ăn món này hay món kia mà nghe báo phí ship xong thì tụt hết cả cơn”.
Chủ tiệm một quán bún bò nằm trên trung tâm Q.1 chia sẻ: “chỉ bán hàng qua app vì quán không có giấy đi đường nên không giao hàng được. Khách hàng nào đi ngang quán lấy thì gọi điện trước để quán chuẩn bị sẵn, đến là lấy hàng đi ngay chứ không phải chờ đợi. Quán chỉ có giá duy nhất là 75.000 đồng/tô, kể cả đến trực tiếp hay mua trên app. Sau khi xem trên app Grab, phí đặt mua tô bún này từ Q.1 sang Q.3 là 25.000 đồng. Như vậy, muốn ăn tô bún này, khách hàng phải chi ít nhất 100.000 đồng/tô”.
Chị An (Q.7) là tín đồ của bún bò, nhưng khi nghe giá thì chị choáng: “Tôi vào các app công nghệ để tìm đặt mua bún bò vì “quá thèm” mà nhà không đủ nguyên liệu để nấu. Đặt món ăn trên Grab thông báo chỉ ship cùng quận từ 6 giờ – 18 giờ hằng ngày tìm không thấy quán bún bò nào mở cửa, chỉ thấy có Bún bò Đông Ba trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1) mở bán với giá 75.000 đồng/tô, nếu cộng thêm phí ship ước tính 49.000 đồng là tổng cộng 124.000 đồng.
Tôi quay sang tìm trên ứng dụng Baemin thì cũng không thấy quán bún bò nào, chỉ có quán hủ tiếu cùng Q.7, bán 1 tô giá 66.000 đồng và app báo phí ship 22.000 đồng, tổng cộng là 88.000 đồng. Thèm bún bò mà tìm hoài không thấy quán nào cùng quận để đỡ phí ship, nên thôi lại tiếp tục nhịn vậy. Giá lên hơn 100.000 đồng/tô, gần đủ để mua thức ăn một bữa cho cả nhà nên phải tiết kiệm “.
Giải thích cho việc đồ ăn tăng giá gấp 2-3 lần bình thường, chủ tiệm Mì Quảng 3 anh em (Cách Mạng Tháng 8, Q.3) chia sẻ: “Hiện quán chưa thể hoạt động lại vì nguyên liệu nấu mì cung cấp cho tiệm ở TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Hóc Môn mà việc đi lại từ các điểm này đến Q.3 còn khó khăn. Khi nào TP nới lỏng quy định cho phép đi lại, mới tính đến việc mở bán.
Nghe giá rau, thịt, gà tăng nên quán cố gắng thương lượng với những đơn vị cung cấp nguyên vật liệu giữ giá ổn định để không tăng giá bán ra. Một tô mì quảng giá 40.000 – 50.000 đồng mà giờ tăng gấp đôi thì khó ăn nói với khách của mình, vì chủ yếu là khách quen.
Quán sẽ cố gắng giữ giá trong thời gian đầu, còn nếu sau đó giá nguyên vật liệu hay chi phí tăng nữa mới tính. Quán chủ yếu là người trong gia đình, người thân ở cùng nhau nên việc tuân thủ nguyên tắc “3 tại chỗ” (3T) không khó. Thế nhưng cái vướng lớn nhất lại chính là chi phí đầu vào nguyên vật liệu, cước vận chuyển, phí ship tăng vọt nên nhiều nơi đóng cửa chưa biết đến khi nào mới mở lại cũng vì như vậy”.