Chiều 5.8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trước những quy định của Bộ GD-ĐT về kế hoạch thời gian năm học mới Sở sẽ tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên môn để tham mưu với UBND TP sao cho có một khung thời gian năm học phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi cho học sinh (HS), giáo viên (GV).
Khoảng hơn một tháng nữa có thể nghĩ đến việc trở lại trường
Với vấn đề để có một năm học an toàn và đảm bảo các quyền lợi của HS trong bối cảnh dịch bệnh, theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), với vai trò là cơ quan tham mưu với UBND TP.HCM để ban hành quyết định thời gian năm học, Sở GD-ĐT cần tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên môn về y tế trong phòng, chống dịch…
Theo đó ông Hoài đề xuất “Với tình hình như hiện nay, nhiều trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nếu trả lại cho cơ sở giáo dục thì cũng phải mất thời gian vệ sinh khử khuẩn, sửa chữa chuẩn bị cho năm học mới.
Bên cạnh đó, số lượng người dân tiếp cận với vắc xin chưa nhiều để tạo miễn dịch cộng đồng thì ít nhất cần khoảng một tháng nữa mới tính đến việc HS trở lại trường. Nhưng nhà trường tổ chức dạy một buổi, học luân phiên giữa trực tiếp và trực tuyến…”.
Còn đối với Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), ông thẳng thắn nói rằng trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay và TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt thì năm học mới bắt đầu như mọi năm là việc khó khăn.
Để tổ chức một năm học phải hội tụ các điều kiện an toàn sức khỏe cho HS, GV, sẵn sàng về cơ sở vật chất, lực lượng nhân sự… Tuy nhiên hiện mọi thứ còn ngổn ngang. Như vậy tiến độ năm học khó có thể bắt đầu vào tháng 9.
Với HS cuối cấp cách tốt nhất nên học trực tuyến
Theo thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh thì không ai có thể đưa ra mốc thời gian cụ thể để bắt đầu cho năm học.
Nếu nói về vấn đề này thì trên thực tế, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp chưa hoàn tất, chẳng hạn đối với lớp 10, ngày 27.8 mới hết thời gian HS nộp hồ sơ nhập học. Sau khi có danh sách, các trường mới tổ chức biên chế lớp, phân công GV, họp phụ huynh…
Vì vậy theo ông Bình, việc năm học mới bắt đầu có thể bằng hình thức cho HS lớp 9, lớp 12 học trực tuyến vì các em đã có 2 năm học làm quen với cách học này.
Đồng thời các em còn cần phải đáp ứng kiến thức các kỳ thi theo yêu cầu của Bộ quy định chung cho HS cả nước. Còn những khối lớp khác thì có thể lùi lại vào thời gian sau đó.
Thạc sĩ Hoài đề nghị thêm: “Năm học này Bộ nên chủ động tinh giản những kiến thức hàn lâm, chồng chéo, những nội dung cũ kỹ, lạc hậu… Tập trung vào những nội dung trọng tâm, thiết thực. Như vậy có thể chủ động rút ngắn thời gian năm học, không phải cứ kéo dài 9 tháng như điều kiện bình thường trước đây”.
Những quy định về thời gian năm học mới mà Bộ đưa ra trong thời điểm này, ông Phú nhấn mạnh Bộ không cố định thời gian bắt đầu năm học nhưng các kỳ thi lại cố định là không phù hợp. Giải pháp tốt nhất là Bộ mạnh dạn giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho các địa phương.
“Tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội, các nhà làm luật cần thấu hiểu, bắt nhịp với hơi thở của cuộc sống, nhất là thời kỳ đại dịch, thiên tai địch họa để có những điều luật sao cho hợp thời, hợp tình, hợp pháp”, ông Huỳnh Thanh Phú nói.