Đối tượng đăng ký gồm có: bác sĩ gần 300 người, điều dưỡng gần 400, dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác 800 người.
Độ tuổi tham gia rất phong phú. Có 80 tình nguyện viên dưới 20 tuổi, hơn 1.800 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 20-50 và hơn 120 tình nguyện viên trên 50 tuổi.
Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đang lên kế hoạch phân 80 bác sĩ và 50 điều dưỡng đến Bệnh viện điều trị Covid-19 và một số bệnh viện Dã chiến. Nhóm còn lại sẽ đưa về các cơ sở điều trị và địa phương có nhu cầu trong thành phố.
Trước đó, ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp tại TP.HCM, kêu gọi cùng tham gia chống dịch.
Theo Thứ trưởng, sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Nhờ nỗ lực của thành phố, sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn, quá tải.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống Y tế công, tư; Hội Y học TP.HCM; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào hoạt động chống dịch tại TP.HCM.
“Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Hãy cùng nhau khống chế dịch bệnh, đưa thành phố sớm quay lại cuộc sống bình thường”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ trong thư kêu gọi.
Cho đến tối 26/7, TP.HCM ghi nhận tổng số 66.422 ca Covid-19 (tính riêng đợt dịch thứ tư). Địa phương vẫn đang là tâm dịch của ca nước với hàng nghìn ca mới được công bố mỗi ngày.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Báo Mới