Theo phản ánh trong suốt 3 tháng giãn cách phải làm việc tại nhà, gần như sáng nào chị Thanh Ngân (cư dân Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) cũng đều chịu tiếng vọng lớn từ việc nấu nướng, băm thịt, va đập của bàn ghế từ phía chung cư tầng trên.
“Thời gian trước, tôi đi làm sớm về nhà muộn nên ít khi nghe tiếng ồn. Từ ngày thành phố đóng cửa, ngày nào tôi cũng nghe tiếng băm thịt, tiếng nồi chảo đập nhau loảng xoảng.
Mà thời gian kéo dài gần như cả buổi sáng. Hôm nào khỏe thì thôi, hôm mệt việc nhiều thì cảm giác rất phiền”, chị Ngân bày tỏ.
Ồn ào ảnh hưởng giấc ngủ
Do tính chất công việc làm cho công ty nước ngoài, chị Thanh Ngân thường xuyên phải họp vào thời điểm đêm khuya và đi ngủ lúc rạng sáng.
Vì sinh hoạt có phần trái giờ giấc tại Việt Nam nên chị Ngân chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tiếng ồn phát ra từ hàng xóm tầng trên.
Có những ngày chị Ngân chỉ chợp mắt được 2-3 tiếng đồng hồ là lại bị giật mình thức giấc bởi tiếng động ồn ào. Thậm chí có những ngày, hàng xóm trên lầu còn vô tư mở nhạc vào buổi trưa, chị Ngân phải liên hệ bảo vệ lên nhắc nhở nhưng rồi “đâu lại vào đấy”.
Chị Ngân cho biết: “Mình làm việc trái giờ thì đôi lúc chấp nhận ồn trong thời gian sinh hoạt chung, nhưng cả buổi trưa cũng mở nhạc hát hò nhảy nhót thì mình chịu thua.
Có hôm họp lúc 1-2h sáng vẫn nghe tiếng động lớn, âm thanh lọt cả vào micro khi đang nói chuyện với đồng nghiệp. Mình stress quá có ngày phải xài cả thuốc ngủ”.
Tương tự, chị Thủy Tiên (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền) cho biết 2 tháng nay, gia đình chị thường xuyên nghe âm thanh trẻ em đùa giỡn, gõ búa, tiếng nhảy dây tập thể dục ngay cả lúc nghỉ trưa hay giờ khuya.
Do gia đình có người lớn tuổi, chị đã nhiều lần tìm cách nói chuyện, góp ý với hàng xóm tầng trên từ nhẹ nhàng, nhắc khéo cho đến cả năn nỉ và báo lên ban quản lý. Song mọi chuyện vẫn chỉ ở mức tạm thời.
Chị Thủy tiên chia sẻ “Góp ý thì hàng xóm nói do nhà mình nhạy cảm chứ tầng trên họ cũng sinh hoạt giống vậy nhưng họ không gặp vấn đề gì”.
Cũng vì trường học vẫn chưa mở cửa lại, nhiều gia đình có trẻ nhỏ không thể đưa con đi học, việc các em nhỏ hiếu động, chạy nhảy cũng là nguyên nhân phần nhiều gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng xóm xung quanh.
Anh Duy Tân (cư dân Masteri An Phú) cũng gặp rắc rối khi có hàng xóm tầng trên khá “ồn ào”. Ngay trong phòng ngủ, anh Tân thường xuyên nghe âm thanh kéo ghế bàn, tiếng lùa cửa, chạy nhảy, cười hét từ tầng trên vọng xuống khiến anh không thể tập trung làm việc và mất ngủ.
Mặc dù đã nhiều lần báo ban quản lý tòa nhà nhắc nhở căn hộ phía trên song tình trạng mà anh Tân chịu vẫn không cải thiện được gì. Lý do anh nhận được là gia đình tầng trên có trẻ nhỏ, nên thông cảm cho họ.
“Đây là vấn đề ý thức, nếu sự việc vẫn tiếp diễn thì tôi sẽ làm việc với cấp cao hơn để kết thúc vấn đề, cuộc sống của tôi sớm được yên bình”, anh Tân nói.
Theo đại diện ban quản lý Masteri An Phú cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh, mọi người ở nhà nhiều hơn, việc sinh hoạt có thể sẽ dẫn đến tiếng ồn từ việc đóng cửa cho đến nấu ăn, tập thể dục…
Đây là điều không tránh khỏi, chủ yếu là các cư dân có ý thức không làm ồn trong các khung giờ nghỉ ngơi, còn đâu thì mỗi gia đình thông cảm và thấu hiểu cho những bất tiện có thể xảy ra”.
“Mỗi người nhường nhau một chút”
Kể từ ngày thành phố giãn cách, mọi người đa phần ở nhà, việc tranh cãi về vấn đề tiếng ồn trong chung cư trở thành vấn đề nóng. Cứ cách vài ngày, các hội nhóm chung cư lại có bài đăng phản ánh “nỗi khổ” vì bị làm phiền bởi tiếng ồn từ căn hộ hàng xóm.
Cũng không ít cư dân đã tìm cách hạn chế nhất những âm thanh khó chịu có thể gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Từ việc lót thêm thảm trải sàn, gắn miếng lót vào chân ghế cho đến hạn chế đi lại, sinh hoạt vào lúc khuya…
Như Anh Trần Khánh (cư dân Masteri Thảo Điền) chia sẻ cũng từng bị hàng xóm tầng dưới phàn nàn về việc tiếng đùa giỡn của trẻ con và kéo bàn ghế.
Anh phát hiện là do hai con trai hay nghịch trong phòng, tiếng kéo ghế là vì chúng ngồi học đàn nên đôi lúc tạo nên âm thanh khó chịu.
Ngay sau đó gia đình anh cũng đã liên hệ để xin lỗi về sự cố gây ra cho hàng xóm. Đồng thời anh cũng dặn dò các con hạn chế đùa giỡn, mua thêm cả miếng lót mềm gắn vào chân ghế để hạn chế tiếng ồn khi lũ trẻ hoạt động.
Anh Khánh bày tỏ “Thật ra tôi cũng nhạy cảm với tiếng ồn nên cố gắng hết mức có thể để không ảnh hưởng mọi người xung quanh, nhất là nhà bên dưới còn có người lớn tuổi nên mình càng phải chú ý”.
Thế nhưng, ngay bên dưới nhiều bài viết phàn nàn về tiếng ồn, nhiều ý kiến cũng bày tỏ đa phần cách âm của các chung cư hiện nay khá kém, khó lòng giải quyết triệt để. Hơn nữa, việc sinh hoạt trong các khung giờ bình thường có thể sẽ tạo nên tiếng ồn là điều hiển nhiên.
Một bình luận trong bài đăng về tiếng ồn, anh Hoàng Quân (cư dân Vinhomes Central Park) nhận xét: “Một hai trường hợp thì có thể do cá nhân nào đó gây tiếng ồn, nhưng số đông thì do bên khu mình cách âm không tốt.
Đổ hết lên đầu trẻ con cũng tội bọn nó, tuổi này không được đi học, ở nhà ngồi yên một chỗ cũng không được”. Đồng tình với anh Hoàng Quân, nhiều ý kiến bày tỏ nếu làm ồn trong giờ nghỉ ngơi như buổi trưa hay lúc đêm khuya thì có thể phản ánh với ban quản lý.
Tuy nhiên, trong giờ sinh hoạt bình thường thì việc có tiếng động phát sinh lúc nấu nướng hay làm việc, dọn dẹp là điều khá bình thường khi sống tại chung cư.
Tài khoản Anh Vũ bình luận “Ở chung cư nó có điểm khác với ở nhà phố nên đôi lúc mỗi người nhường một chút để ai cũng được bình yên. Mình cứ sinh hoạt đúng giờ giấc thôi, nếu biết hệ thống cách âm kém thì hoạt động nào gây tiếng ồn lớn thì mình để ý hạn chế”.