Tình người mùa dịch: Sài Gòn giãn cách nhưng sẽ không bao giờ xa cách 2021-07-13 03:52:11 Minh Quang Sinh Viên Plus - Cộng Đồng Sinh Viên Việt Nam Minh Quang Sinh Viên Plus - Cộng Đồng Sinh Viên Việt Nam Tình người mùa dịch: Sài Gòn giãn cách nhưng sẽ không bao giờ xa cách Nhiều người trẻ chung tay với mong muốn giúp những người khó khăn vượt qua những ngày thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Quê hương thứ hai của mình Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều dân nghèo trở nên khốn khó, nhiều người chạy ăn từng bữa phải đi nhận hỗ trợ từ những tổ chức thiện nguyện. Đó là tấm lòng thơm thảo của những người con, những người được sống và làm việc tại TP.HCM muốn làm gì đó trả ơn cuộc đời. Nguyễn Thị Kiều Duyên (28 tuổi, giáo viên ở Q.Tân Bình) là một trong những bạn trẻ như vậy. Sống ở TP.HCM gần 10 năm, Duyên cảm thấy nơi đây như quê hương thứ 2 của mình. Cô cảm thấy thương thành phố vì cho mình cơ hội, xây dựng ước mơ và là nơi mưu sinh. Dịch bệnh lần này, nữ giáo viên đã trả ơn thành phố bằng cách giúp đỡ lại những người khó khăn hơn mình. Bắt đầu từ tháng 5, khi dịch bùng phát nhiều, Duyên lên mạng kêu gọi bạn bè và cộng đồng cùng mình làm việc thiện. “Lần đầu tôi nghe một bác sĩ nói cần đồ bảo hộ ở khu cách ly. Thế là tôi kêu gọi ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. May mắn, tôi cũng gom đủ số quần áo bảo hộ rồi đích thân mang đi tặng lại cho bác sĩ ở khu cách ly”, Duyên cho biết. Chưa dừng lại, cô cảm thấy điều cấp thiết với người dân nghèo là những bữa ăn. Cô đi từng quán cơm từ thiện, tìm hiểu những quán nào cần đóng góp thức ăn. Thế là Duyên lại nhờ bạn bè, rồi gom góp chở gạo, mắm, muối… đến trao tặng lại. Duyên cùng chiếc xe máy rong ruổi ở những khu chợ, lựa chọn mua từng món thức ăn mang về. Căn nhà nhỏ của Duyên cũng trở thành điểm tập kết hàng hóa, nhiều bạn bè phụ giúp để đóng gói thức ăn. Đến mỗi đêm, nhóm bạn lại mang đi tặng những người vô gia cư ở dọc đường. Hôm 9.7, khi Chỉ thị 16 được áp dụng, Duyên cũng nghĩ đến những người nghèo ngoài kia. Cô lại tính toán phương án, tìm cách trao tặng sao cho đúng với lệnh giãn cách được ban hành. Thế là 2 tuần nữa, cô gái nhỏ nhắn lại bắt đầu hành trình giúp đỡ người nghèo một mình. Duyên chia sẻ việc thiện nguyện mùa dịch chỉ là một phần nhỏ, cô chỉ là trạm trung chuyển, cùng gieo duyên với mọi người. Cô nói: “Tôi chỉ làm được chút chút thôi. Những phần quà này không thấm tháp nhiều với cái khổ của những người còn đang khó khăn ở bên ngoài. Song tôi nghĩ giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì nhiều người khổ quá, vất vả quá. Bên cạnh đó, trong những món quà tôi gửi còn đong đầy lòng yêu thương của những người chung tay. Tôi tin chắc chắn trong khoảnh khắc trao nhận đó, người phát tâm gửi gắm và người nhận đã kết một mối duyên lành để mốt mai hết dịch gặp lại, mọi người biết quý thương nhau hơn”. Chợ trời 0 đồng giúp người nghèo Gần nửa tháng nay, ngày nào Nguyễn Ngọc Huyền (26 tuổi, ngụ đường Lữ Gia, Q.10) cũng túc trực tại các điểm nóng nơi có những người nghèo ở TP.HCM. Huyền cùng nhóm bạn phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên, đoàn viên cấp cơ sở mở gian hàng yêu thương, tặng thức ăn cho người khó khăn. “Tôi và nhiều bạn bè vận động được nhu yếu phẩm, thức ăn rồi mang đến những bệnh viện dã chiến, khu Gò Vấp khi bị phong tỏa. Hôm nay tôi đến Q.Bình Tân vì nơi đây đông dân nhất, có nhiều ca nhiễm nhất và cũng nghèo khó nhất. Cứ thế phiên chợ xuất hiện cuốn chiếu hết nơi này đến nơi khác”, Huyền chia sẻ. Những món quà ở gian hàng như: gạo, nước tương, mắm, muối… gom lại cũng đủ để người dân nghèo no bụng trong trong vài ngày. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, cô cùng các tình nguyện viên bày thực phẩm lên bàn, thực hiện giãn cách, chia nhỏ cho từng người đến lấy. Mỗi ngày nhóm sẽ phục vụ một khu phố, mỗi hộ trong khu phố sẽ được phát phiếu lấy hàng. Người dân đến sẽ rửa tay khử khuẩn và được tặng thêm kính chống giọt bắn. Có như vậy thực phẩm mới đến đúng với người cần. “Đây là việc làm thường tình, không toan tính, tôi thấy ai khó khăn thì hỗ trợ. Những người làm thiện nguyện không phải ai cũng có khả năng tài chính. Chúng tôi giống như những cánh tay nối dài từ nhiều người đến với người khó khăn”, Huyền nói. Ảnh: Tổng hợp Nguồn tham khảo: Báo Thanh Niên