Trung tâm hồi sức tại Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú) do đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách chính thức hoạt động vào ngày 24/8.
Tại đây các y, bác sĩ luôn phải làm việc rất khẩn trương để kịp thời đón nhận bệnh nhân nặng từ các bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế tuyến huyện chuyển lên.
Đây là tuyến cuối tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Khu vực điều trị và phòng điều hành cách biệt hoàn toàn. Tại phòng điều hành, nhân viên y tế phải dùng bộ đàm liên lạc và trao đổi thông tin của các ca bệnh với y bác sĩ phía bên trong khu điều trị.
Anh Lê Văn Sáng, điều dưỡng trưởng của trung tâm, cho biết tình hình sức khỏe của các F0 sẽ được cập nhật liên tục cho người nhà, đặc biệt là những trường hợp diễn biến nguy kịch.
Đối với khu vực vùng đỏ của trung tâm được phân thành 3 tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 dành cho các ca nguy kịch, tầng 2 thuộc bệnh nặng và tầng 3 là các F0 thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện.
Mới vừa gần một tuần đi vào hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận gần 130 bệnh nhân, 3 người đã xuất viện. Với quy mô 650 giường, trung tâm đã vượt dự kiến ban đầu 500 giường của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao.
Lực lượng y tế chia thành 3 ca túc trực đêm ngày ở các khu hồi sức tích cực, theo dõi tình hình và diễn biến của các bệnh nhân để kịp thời cứu chữa. Các bệnh nhân tại đây đa số trong khoảng 40-70 tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp.
Bệnh nhân N.V.C. (69 tuổi, huyện Nhà Bè) là người may mắn thoát cửa tử sau 4 ngày cấp cứu tại trung tâm. Ông bị mắc Covid được hơn 3 tuần. Trước đó, bệnh nhân liên tục được chuyển tuyến để nâng tầng điều trị.
Ông chia sẻ “Đây là nơi thứ 3 tôi được chuyển đến. Sau 4 ngày điều trị, hôm nay tôi thấy khỏe hơn nhiều, nhưng vẫn phải thở bằng máy”.
Hiện trung tâm có gần 80 F0 thở oxy, 20 bệnh nhân thở máy và 26 bệnh nhân phải sử dụng HFNC.
Trong đó, trường hợp duy nhất phải sử dụng ECMO là chị T.T.B.D. (32 tuổi). Chị D. được đưa vào trung tâm ngày 28/8. Tuy nhiên, do nhiều bệnh lý nền sẵn, tình trạng của chị chuyển xấu nhanh chóng.
Các nhân viên y tế không chỉ thực hiện các công tác chuyên môn mà còn kiêm luôn nhiệm vụ cho bệnh nhân ăn, thay tã và vệ sinh thân thể của người bệnh.
Tại khu vực điều trị bệnh nặng, ngoài việc cho thở oxy, các F0 được yêu cầu nằm sấp để giảm tải áp lực lên phổi.
Kết hợp tự tập vật lý trị liệu hỗ trợ thở nhằm cải thiện chức năng phổi và các chức năng khác, ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần, tăng cường khả năng vận động…
Chị Võ Ngọc Mai Hương (40 tuổi) liên tục hỗ trợ cha tập hít thở kết hợp vận động tay chân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chị Hương cho biết gia đình 3 người đều bị dương tính, may mắn vẫn còn được ở gần để có thể chăm sóc cha mẹ đã lớn tuổi.
Ngoài ra các chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như Robot cũng đã đưa vào hoạt động. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài.
Đồng thời, thiết bị này còn vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh.