Chật vật tìm mối đặt hàng rồi lại bị huỷ, nhiều ngày nay anh Hoàng Thanh Hải – Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (TP.HCM) – đau đầu vì phải tìm nguồn cung rau, củ từ các tỉnh về TP.HCM.
“Rau xanh ở Trà Vinh hiện nay cũng chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg nhưng về TP.HCM giá bán lên tới 20.000-30.000 đồng/kg; cà chua cũng lên mức 40.000-50.000 đồng/kg… Nông dân trồng rau không thu về được bao nhiêu trong khi người tiêu dùng tại TP.HCM phải mua giá rất đắt”, anh chia sẽ.
Giám đốc hợp tác xã này cho rằng chợ đầu mối Thủ Đức dừng hoạt động khiến khâu cung ứng rau, củ quả về TP.HCM bị rối loạn. “Ngay ở huyện Củ Chi (giáp ranh Tây Ninh) nhưng việc nhập hàng sang cũng rất khó”, anh nói.
Thực tế hiện nay rau, củ, thịt tại các tỉnh đều dồi dào, giá xuống thấp nhưng kênh phân phối, lưu thông tắc nghẽn khiến hàng hóa tăng giá bán, xe hàng về TP.HCM bị ùn ứ.
Vận chuyển gặp khó
Những ngày qua, ghi nhận tại một số chợ ở TP.HCM, rau, củ quả là mặt hàng tăng giá mạnh, gấp 3-4 lần so với trước. Thịt heo cũng ở mức 150.000-160.000 đồng/kg đối với sườn non, 130.000-140.000 đồng/kg ba rọi, 130.000 đồng/kg nạc vai…
Trong khi đó, khảo sát tại các vườn rau thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn cho thấy người nông dân lại điêu đứng vì giá rau xuống thấp còn 2.000-3.000 đồng/kg, không có nguồn tiêu thụ.
Tại “thủ phủ” thịt heo Đồng Nai, mức giá heo hơi đang xuống thấp kỷ lục, còn 53.000-56.000 đồng/kg.
Tương tự, mặt hàng trái cây của các tỉnh miền Tây cũng ghi nhận tình trạng xuống giá thấp. Cụ thể, nhãn xuồng cơm vàng trước đây giá 40.000 đồng/kg, nay còn 9.000-10.000 đồng/kg, măng cụt trước đây giá 35.000-40.000 đồng/kg, nay chỉ còn 14.000 đồng/kg, chanh không hạt giảm từ 4.000 đồng/kg xuống còn 1.500 đồng/kg…
Các hệ thống siêu thị, công ty phân phối thực phẩm tươi sống cho biết việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào thành phố đang khiến chuỗi cung ứng chậm lại và tăng chi phí hàng hóa.
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết các nhà vận chuyển đang gặp một số khó khăn như tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ nhân lực để giao hàng.
“Hơn nữa, các bệnh viện đều quá tải xét nghiệm, tài xế phải xếp hàng chờ cả ngày và chi phí xét nghiệm tăng cao, lên đến 2 – 2,5 triệu đồng/lần. Kết quả 12-24 giờ mới có trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày”, đại diện này cho hay.
Thậm chí, mặc dù tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của MM Mega Market, các tỉnh thành Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu đều không cho xe vào giao hàng.
“Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang cấp mã QR code, lượng xe đăng ký là 309 nhưng chỉ mới có 133 xe có mã QR dẫn đến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao và thời gian giao hàng bị trễ so với dự kiến”, đại diện MM Mega Market nói.
Tương tự, một số hãng xe cũng cho biết do quy định muốn vào TP.HCM thì tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV đã làm phát sinh thêm chi phí. “Nếu xét nghiệm nhanh giá thấp nhất 300.000 đồng/lần, còn làm PCR mất 730.000 đồng/lần. Đi một chuyến phải có tài và phụ tổng chi phí hết cả triệu đồng, chúng tôi không kham nổi”, anh K., chủ hãng xe P.A, ở TP Nha Trang, nói.
Anh Hoàng Thanh Hải – Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (TP.HCM) – cho biết, hiện nay, rau xanh bán ra ở TP.HCM rất cao. “Nguồn hàng khan hiếm, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm đội lên nên giá bán rau, củ ra thị trường tăng vọt”, anh nói.
Đặc biệt, việc kết nối với các nhà cung cấp tại Đà Lạt, Tây Nguyên, miền Tây, thậm chí các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn.
“Bây giờ phải làm cách nào để tiếp cận nguồn hàng của địa phương, vùng miền khác, để nông dân có đầu ra, người dân cũng được hưởng giá tốt. Cứ tình trạng này, nguồn hàng càng khan hiếm, giá sẽ càng tăng”, anh Hải bày tỏ.
Khâu trung gian “ăn dày”?
Bên cạnh việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp khó, đẩy giá bán thực phẩm tươi sống lên cao, nhiều người cho rằng có hiện tượng tiểu thương lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu tăng để đẩy giá bán lên cao.
“Không chỉ khâu lưu thông gặp khó, đẩy giá hàng hóa mà một số tiểu thương cũng tranh thủ ‘tát nước theo mưa’ trong thời điểm dịch bệnh”, anh Hải cho biết.
Cung cấp mỗi ngày 800.000 đến 1 triệu quả trứng cho thị trường TP.HCM, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cũng cho biết hiện nay giá trứng bán ra tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn ổn định.
Tuy nhiên, tại chợ, điểm bán tự phát giá trứng bị đội lên 40.000-45.000 đồng. “Do chợ truyền thống đóng cửa, nhu cầu người dân tăng vọt khiến tiểu thương kéo giá lên”, ông nói.
Trước đó, tiểu thương bán rau tại chợ Đa Kao (quận 1) lý giải hiện tại các chợ đầu mối đóng cửa, hàng hóa khan hiếm nên chị phải nhập hàng từ nhiều mối, rau cải các loại đều cháy hàng.
“Do đó, giá rau nhập tại đầu mối tăng nên giá rau tôi bán ra cũng phải tăng theo”, tiểu thương này cho hay.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai – cho biết giá thịt heo bán lẻ tại các chợ truyền thống đến tay người tiêu dùng tăng do các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa lại tăng do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Do đó, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng tăng theo.
“Thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng”, ông Công đánh giá.
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung nông sản về TP.HCM
Theo ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh – cho biết hiện nay Sở mới thống nhất với Sở Công Thương TP.HCM mở điểm tập kết giữa ranh giới 2 địa phương và đang chờ văn bản hướng dẫn của Ban chỉ đạo, UNBD tỉnh để triển khai.
Theo đó, hàng hóa từ Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống khoảng 1 ha gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng, để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện.
“Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh cũng gấp rút cấp giấy chứng nhận, tạo luồng xanh cho các phương tiện chở nông sản về TP.HCM”, ông nói.
Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp mới đây cũng công bố các chương trình ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm hỗ trợ livestream bán hàng, xây dựng thông tin, website, quản trị bán hàng đa kênh… giúp doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh.
Các kênh bán hàng đa dạng này sẽ giúp các nhà cung cấp tại các tỉnh thành kết nối trực tiếp với các nhà phân phối tại thành phố, thực hiện phương án giao hàng trực tiếp nhằm đảm bảo nguồn cung và an toàn phòng chống dịch.
Mới đây, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng thành lập một điểm tập kết, trung chuyển rau củ, trái cây rộng gần 8.500 m2 phía sau chợ nhằm ngăn chặn đầu cơ, tăng giá rau củ.
Tương tự, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh và các ban ngành đề xuất việc mở cửa hàng bán thịt heo tại TP Biên Hòa để vừa hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ thịt vừa hạ nhiệt giá sản phẩm.
Sở Công Thương TP.HCM cũng phối hợp với các hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố.
Hiện các hệ thống phân phối (MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Masan…) và các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường (Công ty San Hà, Công ty Chân Thật…) đã tổ chức được hơn 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Báo Thanh Niên