Buổi
sáng nhẹ nhàng với những tia nắng lọt vào khung cửa sổ, tôi trở mình, nở nụ cười
đầy hạnh phúc vì nghe hương vị Tết luẩn quẩn đâu đây. Ai đó đang mở nhạc đỏ
cách mạng và tiếng cười nói rộn ràng của mọi người trong xóm trọ vang vọng lại trong
giấc ngủ mơ màng khiến tôi cảm thấy như mình đang ở nhà vào sáng mùng Một Tết.
Đối với những sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo lên thành phố học tập như chúng tôi, quê nhà là thứ mà chúng tôi luôn hướng về. Đếm từng ngày từng tháng trôi qua chỉ mong đến Tết để được quay về sum họp cùng gia đình. Tôi biết Tết năm nay sẽ rất khác với những cái Tết của ngày trước bởi đây là lần đầu tiên xa nhà. Mà có lẽ những ai xa quê dù đã trải qua nhiều năm đều mang cảm giác mong chờ Tết chứ không chỉ riêng gì những người mới chúng tôi.
Tôi nhớ rất rõ mỗi buổi sáng đầu năm của mình mà đến tận bây giờ khi vô tình gặp một trong các hoạt động đó, tôi cứ ngỡ là Tết đây rồi. Năm nào cũng vậy, bố tôi là người thức dậy đầu tiên và bắt đầu đánh thức mọi người bằng thứ âm nhạc mà ông yêu thích: nhạc cách mạng. Vào dịp Tết đến Xuân về, người ta thường ưa chuộng nhạc xuân và khi nghe nó họ nghĩ đến Tết.
Thế nhưng với tôi, dòng nhạc đỏ mới là thứ khơi gợi mùa xuân trong tôi, là sợi dây liên kết giữa hiện tại bộn bề lo toan và kỉ niệm yên bình khi nằm trong vòng tay ấm áp và an toàn của gia đình. Những giai điệu hào sảng, ân tình, lời ca bình dị, đời thường, không quá nhẹ nhàng sâu lắng cũng không quá mạnh mẽ rạo rực khiến tâm trạng ngày đầu năm cực kì thoải mái và dễ chịu.
Bắt đầu có tiếng cười nói rôm rả của mẹ và mấy anh em trong nhà trong khi tôi vẫn cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp và đôi môi thì luôn mỉm cười ngọt ngào. Tia nắng của ngày xuân mới ánh lên nhưng vẫn mang hơi lạnh còn vươn lại của mùa đông vừa qua. Trong mơ màng tôi nghe mùi thơm thoang thoảng của khói nhang. Có lẽ bố tôi vừa thắp nén hương đầu năm trên bàn thờ ông Công ông Táo mong một năm an lành, sung túc. Nếu bàn về phong tục cúng kiến vào ngày Tết ở Việt Nam thì rất đa dạng phong phú.
Ở mỗi miền Bắc-Trung-Nam sẽ có những cách cúng khác nhau và trong từng vùng của mỗi miền cũng có những quan niệm khác nhau. Vào sáng mùng Một Tết, có nhiều gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ chu đáo để mong một năm đầy sức khỏe và hạnh phúc cho các thành viên nhưng có nhiều nơi chỉ đơn thắp nén hương và khấn nhỏ. Điều này còn tùy thuộc vào điều kiện và quan niệm của từng gia đình…
Tiếp tục buổi sáng của tôi nào! Nếu là ngày bình thường tôi sẽ bị réo gọi, dọa nạt các kiểu để phải thức dậy kịp giờ đến lớp nhưng ngày hôm ấy thì tôi chẳng sợ gì cả. Vì theo phong tục của người Việt thì vào ngày đầu của năm mới, người ta kiêng đánh thức người khác. Nếu phạm điều cấm kị này, người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm. Mẹ tôi vừa không muốn tôi cả năm chịu áp lực vừa không muốn tôi ngủ đến trưa nên bà lên nằm cạnh tôi và ôm gọn lấy tôi.
Tôi cười, biết tỏng ý mẹ muốn tôi thức dậy nhưng giả vờ lờ đi không biết gì. Thế là, mẹ bắt đầu chuyên mục hát hò. Những câu dân ca ngọt ngào đi vào lòng người với từng hơi thở nồng ấm của mẹ khiến tôi chỉ muốn chìm đắm mãi mãi. Nhưng cuối cùng tôi cũng phải thức dậy một cách “vui vẻ” bởi chiêu cù lét. Thật thích khi cũng có một ngày các bậc phụ huynh buộc phải nhẹ nhàng khi gọi con em dậy.
Nhà bạn thường làm gì vào sáng mùng Một Tết? Nhà tôi
thì sẽ chơi bài xì dách để xem vận hên của mình thế nào. Tất cả các thành viên
ngồi thành vòng tròn trên chiếc chiếu cói giản dị tạo thành một sòng bài đầu
xuân hoành tráng. Dù có được may mắn hay không thì mọi người đều cười tít mắt với
phần bình luận vui nhộn của các thành viên.
Ôi! Nhắc đến không khí ấy tôi chỉ muốn Tết đến ngay lập
tức để được sống trong khoảnh khắc hạnh phúc đó mà thôi. Lúc còn nhỏ, tôi nôn đến
Tết như một bản năng. Khi lớn hơn một xíu, tôi thấy Tết chẳng có gì mà phải hào
hứng đến thế. Và bây giờ, tôi nôn đến Tết còn mãnh liệt hơn cả lúc nhỏ. Vì tôi
đã biết ý nghĩa thực sự của Tết. Tôi có một nơi muốn quay về và nơi nó luôn chờ
đợi tôi: GIA ĐÌNH.