Mọi người vẫn còn đang lấn cấn việc họ sẽ được trả chi phí như thế nào trong khi luật quy định bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị miễn phí.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong số 95 cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố hiện nay có đến 11 bệnh viện tư nhân với 1.333 giường bệnh.
Thường các bệnh viện này đa số đều là bệnh viện hạng 3, được phân công điều trị cho các F0 thuộc tầng 2 (có 3 tầng điều trị) từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm theo bệnh lý nền.
Miễn phí nhưng phải “tạm ứng”
Khoảng nửa tháng trước mẹ của chị K.P. (32 tuổi, ngụ quận 8) mắc COVID-19 sau 2 ngày cách ly điều trị tại nhà bắt đầu khó thở, buộc phải gọi cấp cứu chuyển vào bệnh viện. Thế nhưng các bệnh viện đều thông báo “kín giường”, kể cả bệnh viện nơi đăng ký bảo hiểm y tế.
Sau một lúc tìm kiếm vô vọng, may mắn có một bệnh viện tư nhân ở quận Bình Tân tiếp nhận. Chị P. cho biết “Gia đình phải đóng viện phí tổng cộng 41 triệu đồng với 8 lần chuyển khoản, bệnh viện gọi đây là tiền tạm ứng.
Khi tôi thắc mắc phía bệnh viện có giải thích kinh phí điều trị chưa được Nhà nước rót về, do vậy bệnh viện tạm thu và sẽ trả lại cho bệnh nhân khi được Nhà nước thanh toán”. Được biết hoàn cảnh gia đình chị P. hiện khá khó khăn, các thành viên trong gia đình mất việc, số tiền viện phí gia đình phải đi vay mượn nhiều nơi.
Đến nay khi người nhà đã xuất viện, số tiền “tạm thu” vẫn chưa được phía bệnh viện chi trả. Trường hợp ông L.N.H. (quận Gò Vấp) cho biết gia đình có hai người mắc COVID-19 vào điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở quận 7. Sau 28 ngày điều trị khỏi bệnh, bệnh viện yêu cầu đóng hơn 426 triệu đồng tiền phí điều trị cho 2 người.
Đến khi xuất viện, gia đình phải chuyển khoản tổng cộng 8 lần đủ 426 triệu đồng. “Chúng tôi được yêu cầu đóng viện phí nhưng khi chuyển khoản bệnh viện yêu cầu chúng tôi phải ghi rõ là ‘tiền ủng hộ điều trị COVID-19′”, ông H. thắc mắc.
Sau gần một tuần tự cách ly điều trị COVID-19 tại nhà, anh H.T.T. (45 tuổi, quận Tân Bình) buộc phải đến bệnh viện do bệnh ngày một trở nặng. Các bệnh viện công đều “kẹt cứng”, anh may mắn liên hệ được một bệnh viện tư điều trị với chi phí “thỏa thuận” ngay từ đầu.
Anh T. kể “Lúc chuyển viện, tôi được xe cấp cứu của bệnh viện đến tận nhà đón chuyển thẳng vào phòng hồi sức tích cực. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng các bệnh viện đều quá tải. Tôi khá hài lòng khi được bố trí trong phòng ốc sạch sẽ thoáng mát, giường nằm thoải mái và được các nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, lo từng bữa ăn giấc ngủ”.
“Lách luật”, “không thu thì lấy đâu kinh phí”
Theo đại diện một bệnh viện tư đang điều trị COVID-19 cho biết đến nay đơn vị tiếp nhận điều trị khoảng 400 bệnh nhân, trong đó có khoảng 250 người được xuất viện và khoảng 20 người tử vong (chủ yếu do cao tuổi, bệnh chuyển biến quá nặng).
Như chia sẻ “Có nhiều bệnh nhân nhập viện rất nặng, nhưng với sự nỗ lực của bệnh viện và hỗ trợ chuyên môn từ các tuyến trên, họ đã được cứu sống ngoạn mục”.
Để tham gia điều trị COVID-19, bệnh viện phải đầu tư đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại. Cơ sở điều trị chuẩn 3 sao, bệnh nhân có chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ thoáng mát, cơm ngày 3 bữa ăn theo chế độ của bác sĩ dinh dưỡng, có nước uống, trái cây hoặc các loại sữa chua tráng miệng.
Ngay cả việc vệ sinh tắm rửa đều bằng nước nóng lạnh có sự hỗ trợ của điều dưỡng. “Xác định tham gia chống dịch là gánh vác công việc cùng ngành y tế. Do đó chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý cần đưa ra một chính sách chung cho phép thu phí phù hợp để các bệnh viện có thể duy trì phục vụ nhu cầu người bệnh”, vị này cho biết thêm.
Một phần duy trì hoạt động khi chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số bệnh viện tư “lách luật” bằng cách vận động bệnh nhân ủng hộ quyên góp hoặc đề nghị bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả viện phí với chi phí hàng chục đến trăm triệu đồng.
Lý giải điều này, giám đốc một bệnh viện tư điều trị COVID-19 cho rằng không còn cách nào khác. “Tiền vận hành, oxy, thuốc, có những loại thuốc đặc trị cực hiếm chúng tôi cũng phải mua để điều trị. Ngoài ra lương của nhân viên y tế cũng phải trả gấp đôi, nếu ngân sách không chi trả, không được thu phí, chúng tôi không biết lấy đâu kinh phí để duy trì hoạt động.
Đến nay hoạt động điều trị cũng chỉ đảm bảo không lỗ chứ chưa có lời”, vị này nói và khẳng định đa số người bệnh sau khi được điều trị khỏi bệnh đều vui vẻ quyên góp cho bệnh viện có điều kiện duy trì, cứu giúp nhiều bệnh nhân khác.
Cần được đối xử công bằng
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM – cho rằng đã đến lúc cần xem COVID-19 là một trong những bệnh truyền nhiễm giống như HIV, lao phổi, sốt xuất huyết.
Hiện các cơ sở tư nhân tham gia điều trị COVID-19 từ sự kêu gọi của Bộ Y tế và dĩ nhiên nằm trong cùng hệ thống điều trị COVID-19.
Do đó cần phải được “đối xử công bằng về điều kiện pháp lý” trong hoạt động khám chữa bệnh, được thanh quyết toán và tự hạch toán đối với chi phí khám điều trị.
Bác sĩ Tùng đề xuất cần một quyết định dưới luật tạm thời hoặc nghị định về chi phí cho điều trị COVID-19 “Tức phần nào thuộc bảo hiểm y tế quyết toán theo quy định thì nên quyết toán, còn phần chênh lệch bệnh nhân chi trả”.
Ông cho rằng khi xây dựng cơ chế phải đặt trên lợi ích của nhiều bên, bao gồm người bệnh – nhân viên y tế – nhà đầu tư (bệnh viện).
Đồng thời, lợi ích của người bệnh là trước tiên và trên hết. “Lợi ích của bệnh nhân là được sống, họ cần một dịch vụ chăm sóc điều trị tốt, còn nhân viên y tế cần được đối xử tốt, cơ sở y tế cũng cần đảm bảo chất lượng điều trị, an toàn cho bệnh nhân”, ông khẳng định.
Còn về nhu cầu được chăm sóc điều trị của người mắc COVID-19 hiện rất đông. Bên cạnh các cơ sở tư nhân được công nhận điều trị COVID-19, hiện có một số đơn vị y tế tư nhân “chưa chính thức” cũng đang phải gồng mình điều trị bệnh nhân COVID-19 khi bệnh viện công quá tải.