Từ đầu tháng 6, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía Nam cũng là lúc Lê Thị Ngọc Thùy (sinh năm 2001, quê Cà Mau) nhận được tin dữ bố cô đã qua đời vì bạo bệnh.
Trong 14 ngày về nhà lo hậu sự cho bố đồng thời thực hiện tự cách ly, Thùy nôn nao khi đọc được nhiều tin tức về dịch bệnh ở TP.HCM, nơi cô theo học Phân viện miền Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Vì thế, ngay khi thấy chương trình tuyển tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch do Thành đoàn, Hội liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM khởi xướng, cô sinh viên năm nhất không đắng đo đăng ký ngay khi vừa hoàn thành cách ly.
Thùy bày tỏ với mẹ: “Mẹ, dịch bệnh căng thẳng thế này, con đi phụ các anh chị, cô chú nha”,
Dù không ngăn cản nhưng là một người mẹ bà cũng nặng lòng đến mức chẳng thể lên tiếng cổ vũ. Nỗi buồn khi vừa mất chồng, nhà chỉ còn hai mẹ con, bà không muốn con gái gặp nguy hiểm.
“Trước đây, mình cũng hay tham gia tình nguyện ở địa phương nhưng chưa khi nào làm công việc có tính chất nguy hiểm như vậy. Mình hiểu mẹ lo lắng ra sao nhưng mẹ cũng biết tính mình cương quyết nên không ngăn cấm”, Thùy chia sẻ.
Cô gái nhỏ “Cân” mọi loại công việc
Ngay hôm sau khi lên TP.HCM, Thùy đã tiếp nhận nhiệm vụ điều phối và triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở khu vực.
Sau khi vừa mới nghỉ 2 ngày do sốt sau tiêm vaccine, thấy đội trực chốt phong tỏa cần người, Thùy lại đăng ký tham gia. Cứ thế, danh sách công việc nữ sinh năm nhất đảm nhận ngày càng dài, từ hỗ trợ công tác lấy mẫu cộng đồng đến phun khử khuẩn.
Thùy tâm sự: “Không biết có phải do ‘lăng xăng’ quá hay không, việc nào cũng làm qua một chút mà mình toàn đăng ký trúng mấy khu vực tình hình căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng chẳng sao cả, như vậy mình càng có cơ hội góp sức”.
Vào những ngày đầu, khi có F0 đến lấy mẫu trong ca trực của mình, Thùy rất sợ. Kết thúc mỗi buổi làm việc, cô và các tình nguyện viên, nhân viên y tế hôm đó đều phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh trước khi ra về. Dần dần, cô cũng quen hơn, giữ vững tâm lý và đặc biệt chú trọng việc bảo hộ.
Một thời gian sau khi chuyển sang đội phun khử khuẩn, Thùy chủ yếu hỗ trợ hậu cần, kiểm tra số liệu, máy móc, công việc nhẹ nhàng hơn lúc đầu nhưng phải di chuyển nhiều. Những lúc thiếu người, cô cũng xông xáo vác bình lên phun.
Hình ảnh cô gái cao 1,53 m, nặng 50 kg nhỏ nhắn khệ nệ ôm bình xịt bằng nửa trọng lượng mình thường bị nhiều đồng đội trêu chọc nhưng cũng không kém phần nể phục.
Lúc nào gọi điện thoại về mẹ cũng khóc
Những hôm cao điểm, nhất là khi triển khai lấy mẫu cộng đồng, Thùy và các tình nguyện viên luôn phải tập trung từ 7h, làm việc đến tận 22 tối mới được về. Luôn phải có người túc trực, do lượng người dân xếp hàng chờ đông, nên cả đội ngay cả ăn cũng phải thay phiên nhau không dám nghỉ.
Biết mẹ ở quê luôn lo, dù bận rộn cách mấy Thùy cũng cố gắng gọi video về mỗi ngày. Nhưng cứ thấy mặt con gái, mẹ cô lại khóc vì nhớ và thương con.
“Từ lúc mình đi tình nguyện, hầu như ngày nào mẹ cũng khóc. Đến mức những cuộc gọi chỉ toàn thấy khuôn mặt mếu máo rồi tiếng sụt sùi của mẹ. Mình cũng chẳng phải đứa biết nói mấy lời ngọt ngào, chỉ trấn an mẹ rồi hứa sẽ tự bảo vệ sức khỏe”.
Rồi khi gác máy, Thùy cũng không kìm được nước mắt. Dù biết thương mẹ lo lắng cho mình, nhưng cô hiểu nếu mỗi tình nguyện viên như cô cùng góp sức, dù nhỏ, gánh nặng trên vai các nhân viên y tế, đội ngũ chống dịch sẽ bớt đi phần nào.
Lời hứa sẽ đưa mẹ lên Sài Gòn du lịch
Khi tham gia điều phối lấy mẫu xét nghiệm của người dân, vì mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít, Thùy thường phải hét lớn để mọi người có thể nghe thấy lời mình.
Tuy nhiên, có những lần cô bị người dân hiểu nhầm như vậy là “tỏ thái độ, quát nạt”. Có người không hiểu còn quay phim lại rồi đăng lên mạng, nói những lời khó nghe về đội tình nguyện.
“Có lần, gặp một em bé không đeo khẩu trang, đứng chơi ở khu vực phát hiện ca dương tính, mình nói ‘bé ơi, em đi vào nhà hoặc lấy khẩu trang đeo nha, ở đây nguy hiểm lắm’. Bất ngờ, có người đàn ông xông ra mắng mình xối xả, thậm chí định động tay chân. May mắn là có công an khu vực ra ngăn lại, nếu không, mình cũng không biết làm sao”.
Măc dù gặp những tình huống đáng buồn mhư vậy, Thùy và các tình nguyện viên cũng không ít lần cảm động trước sự quan tâm, trân trọng của người dân vùng dịch.
Dù chỉ là những cốc nước, cái bánh cùng lời nhắn “ăn đi lấy sức nhe” của các cô chú trong khu phong tỏa; hay những lời cảm ơn, động viên của những người lần đầu gặp, dù chỉ thấy nhau qua đôi mắt.