Cụ thể năm trường đại học ở Anh chấp nhận cho Linh vào học là University of Warwick, Birmingham, Manchester, Leeds và University College London.
Từ khi Khánh Linh học lớp 7 ở trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội, mẹ của cô bé đã cho con thử nộp đơn vào một trường phổ thông ở Anh.
“Lúc đấy, mẹ em nói là cứ apply thử để xem hồ sơ mình đang ở mức nào và khi được học bổng 100%, em đã xin được đi học”.
Ở Việt Nam, Linh xin trường cho thi học kỳ hai trước để kết thúc năm học, hoàn thành chương trình lớp 7 ở Việt Nam để kịp chuẩn bị cho học phần ỏ Anh vào đầu tháng 5/2017.
“Bố mẹ em đồng thuận với suy nghĩ cho thử sức. Nếu thấy học được, em sẽ tiếp tục học bên Anh, nếu thấy không hợp thì vẫn kịp về lúc cuối hè để tiếp tục học lớp 8 ở Hà Nội”.
Sau vài tuần quan sát và thích nghi, cô bé 12 tuổi bắt đầu thích và muốn tiếp tục theo học ở đây. Điều mà Linh cho rằng đó là may mắn và lợi thế của mình là có mẹ làm giáo viên tiếng Anh, được mẹ đầu tư và tập trung cho theo học từ nhỏ.
Bố mẹ Linh cũng khuyến khích con gái tham gia rất nhiều cuộc thi ở Việt Nam, Singapore, Mỹ, CH Séc, Thái Lan, giúp cô bé mở mang tầm mắt và sử dụng vốn tiếng Anh ở môi trường quốc tế.
Linh kể học ở Anh không bị áp lực như ở Việt Nam nhưng cũng không phải quá dễ.
Đối với bậc phổ thổng ở Anh có 13 lớp, từ lớp 1-9 là giai đoạn học phổ thông, từ lớp 10-13 được chia thành 2 chương trình học: GCSE (lớp 10-11); A-level (lớp 12-13).
Ở chương trình GCSE, học sinh có 5 môn học bắt buộc, và học sinh có thể tự chọn thêm môn học ngoài 5 môn này. Ở giai đoạn A-Level, học sinh được chọn 3-5 môn muốn học chuyên sâu.
Được học môn mình thích và không bị choáng bởi quá nhiều môn, Linh đã tập trung để có được kết quả tốt.
Ở GCSE, Linh đã được A* ở tất cả môn khoa học, và A ở môn quản trị kinh doanh. Và mới đây, cô đã tốt nghiệp xong A-Level khi mới 16 tuổi.
Linh cảm giác mình bị lớn trước tuổi khi đi nhanh hơn so với các bạn cùng tuổi. Khi các bạn vẫn còn 1 năm nữa mới bước vào đại học thì em đã phải lo nộp hồ sơ vào các trường, viết bài luận, chuẩn bị CV, phỏng vấn…
“Nhưng em lại thấy việc học sớm rất có lợi. Em biết có một số người sẽ chọn gap year để có thể trải nghiệm thực tế và tìm được ngành nghề mình thực sự mong muốn. Nhưng em đã biết mình thích làm gì được một thời gian khá dài rồi”.
Bố mẹ bất ngờ trước quyết định của con
Mẹ của Linh – chị Đỗ Mỹ Dung – nói rằng cho đến bây giờ chị vẫn làm quen với lựa chọn trở về của con sau khi được một loạt trường đại học ở Anh chấp nhận.
Chị vui vẻ chia sẻ “Dù con đã chia sẻ với gia đình sự yêu thích, quan tâm tới ngành y từ khi con 10 tuổi nhưng quyết định mới lạ của con vẫn làm mình đang cần thích nghi
Mình luôn mong con được sống nhẹ nhàng và tìm được công việc hiệu quả trong cuộc sống thôi, nhưng con gái lại thích điều mẹ không dám nghĩ”…
Linh đã định sẽ tiếp tục học Y từ khi bước vào học A-Level ở Anh để thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ ngoại khoa. Nhưng vì chi phí học tập và thực hành cho 5 năm học hơi quá sức so với tài chính của gia đình nên Linh đã tìm hiểu để hướng sang Y Sinh, học 3 năm thay cho 6 năm và học phí cũng dễ chịu hơn.
“Bố mẹ em vẫn luôn khuyên con gái không cần phải vất vả như vậy. Trước khi được là bác sĩ chính thức, em phải đi một chặng đường rất dài. Ban đầu, em vẫn giữ quyết định học Y, nhưng năm nay, khi được về nghỉ hè, quan sát mọi thứ đang diễn ra, tình hình dịch bệnh phức tạp, em đã có tư duy mới. Câu ‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’ lúc này lại khá ảnh hưởng tới dòng suy nghĩ của em”.
Trước khi thực sự 18 tuổi Linh vẫn có quỹ thời gian khá dài để có thể tìm hiểu sâu hơn về phương pháp chăm sóc sức khỏe bản thân, tạo sức bền cho cơ thể.
Từ đó, em đã quyết định tự thử nghiệm các bài học lý thuyết về dinh dưỡng, về vận động về lối sống, sinh hoạt từ tháng 4 năm nay.
Đối với ảnh hưởng lớn tới những quyết định thay đổi của Linh chính là mẹ.
“Bản thân mẹ em cũng là người có tư duy thay đổi lớn trong năm nay. Mẹ ủng hộ việc em tìm hiểu về chế độ sống cân bằng và cho em tự trải nghiệm bản thân”.
Linh cho biết bố mẹ luôn để em chủ động quyết định, từ việc hôm nay ăn gì, cuối tuần đi chơi đâu, đến những việc quan trọng hơn là học gì và học ở đâu.
“Bố mẹ là người đưa ra lời khuyên để em có quyết định phù hợp cho bản thân và có ích cho sau này. Mọi quyết định của em đều được bố mẹ ủng hộ và hỗ trợ hết mức”.
Linh rất thích câu thành ngữ “Treat failure like gold”, có nghĩa tương đương với câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” của người Việt.
“Em hiểu cảm giác bị so sánh với thành tích của người khác. Nhưng em thấy thành tích không quan trọng bằng sự cố gắng trong cả quá trình.
Dù không đạt được danh hiệu nào đó nhưng biết rằng đã cố gắng hết mình thì đó đã là một sự thành công rồi. Và em muốn mọi người biết đến mình là một người chăm chỉ hơn là một người có nhiều thành tích” – cô gái 16 tuổi nói.