TS. BS Nguyễn Huy Luân cho biết: “tương tự như tất cả các loại vắc xin khác, vắc xin Covid-19 có thể gây ra tác dụng phụ. Hầu hết tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca thường nhẹ và ngắn hạn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và không phải ai cũng gặp phải (chiếm khoảng 10-20% số người được tiêm chủng), bao gồm:
– Đau cánh tay ở vị trí tiêm.
– Cảm thấy mệt mỏi.
– Đau đầu.
– Cảm thấy đau nhức cơ thể.
– Bị sốt hoặc cảm thấy lạnh run.
Các triệu chứng có thể kéo dài 1 đến 3 ngày sau khi tiêm vắc xin. Tác dụng phụ có thể xảy ra sau liều tiêm đầu tiên và/hoặc liều thứ hai. Nếu bạn có những tác dụng phụ thông thường và nhẹ như trên sau liều vắc xin đầu tiên, bạn vẫn tiêm được liều vắc xin thứ hai.
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin là hiếm gặp. Các phản ứng này xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm. Một số dấu hiệu nhận biết như: tê quanh môi hoặc lưỡi; phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da; ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc ở họng; nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng; thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho; mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp… Diễn biến nặng lên của những triệu chứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm sốt cao >39 độ C, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, thay đổi huyết áp.
BS. Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “các trường hợp chống chỉ định với vắc xin AstraZeneca là những trường hợp từng có sốc phản vệ độ 2 với các tác nhân khác nhau, dị ứng với thành phần của vắc xin (L-Histidine; L-Histidine hydrochloride monohydrate (cả hai axit amin); Magie clorua hexahydrate (hỗ trợ các hoạt động bên trong tế bào); Polysorbate 80 (một chất ổn định); Ethanol (rượu); Sucrose (đường); Natri clorua (muối); Disodium edetate dihydrate (EDTA, một chất liên kết); Nước để tiêm), còn các trường hợp khác đều có thể tiêm được vắc xin. Khi về nhà gặp các triệu chứng phản ứng sau tiêm, người tiêm không dùng bất cứ loại thuốc gì, thay vào đó nên tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc” .