Thế nhưng trên thực tế, vừa qua nhiều người dân ngụ tại địa bàn P.2 (Q.8, TP.HCM) bức xúc về việc chi tiền hỗ trợ của phường này quá bất cập, đáng ngờ, khiến họ đi tới đi lui và về tay không.
Thậm chí, có trường hợp đã qua đời do Covid-19 nhưng vẫn cùng nhiều người trong gia đình có tên trong danh sách nhận tiền, nhưng chính quyền địa phương chỉ giải quyết cho 1 trường hợp…
Nhiều điểm bất thường trong danh sách nhận tiền trợ cấp
Đề cử như trường hợp của bà H.T.B.T (54 tuổi, ngụ đường Âu Dương Lân, P.2, Q.8). Theo bà T., bà làm nghề phụ bán quán ở chợ. Đầu tháng 8, bà ghi thông tin, đăng ký với tổ trưởng tổ dân phố (TTTDP) để nhận tiền trợ cấp.
Đến nay (đã chi tiền hỗ trợ đợt 2 xong), bà T. vẫn chưa nhận được thông báo mình có được xét duyệt hay không. Qua xác minh, ghi nhận bà T. được xét duyệt nhận tiền trong đợt 2 này.
Không những thế, tên của bà H.T.B.T có tới… 2 lần được ghi trong danh sách nhận tiền (thứ tự lần lượt 1.609 và 1.610), với tổng số tiền 3 triệu đồng. Đây là điểm bất thường khiến ai cũng khó hiểu.
Không chỉ vậy, anh T.V.T (38 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, P.2) điên đầu vì không hiểu nổi cách lên danh sách, xét duyệt nhận tiền từ UBND P.2. Ngày 9.9, anh T. chở vợ đi nhận tiền trợ cấp đợt 2 (trước đó đăng ký diện lao động tự do khó khăn).
Đến nơi, mới biết phường chỉ xét duyệt cho vợ anh T. thuộc diện hộ lao động khó khăn, với số tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng. Lúc vợ anh T. ký nhận tiền thì phát hiện tên giống hệt mình trong danh sách được duyệt nhận tiền (thứ tự lần lượt là 1.677 và 1.678).
Nhìn qua mục số điện thoại, vợ anh T. tá hỏa phát hiện đó chính là số điện thoại của chồng mình. Ở mục địa chỉ cũng có số nhà trùng nhau, chỉ khác tên đường (đường Âu Dương Lân).
Nhận thấy có bất thường, anh T. thắc mắc hỏi cán bộ phường thì vị cán bộ này nhanh tay gạch tên trường hợp đáng ngờ này mà không giải thích lý do tại sao. Theo tìm hiểu, nhà có địa chỉ trùng với nhà anh T. (nhưng khác đường) hiện không có trên địa bàn P.2, Q.8.
Đau nói nhất là trường hợp của gia đình anh Đ.N.V.L (25 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, P.2, Q.8), do bất nhất từ chính quyền cơ sở khiến người nhà anh L. chờ đợi khổ sở.
Theo anh L., đầu tháng 7, ba anh đăng ký 6 người (hành nghề rửa xe) trong gia đình thuộc diện lao động tự do bị mất việc bởi ảnh hưởng dịch bệnh, nộp danh sách cho TTTDP. Điều đáng đau lòng là khi tiền trợ cấp còn chưa được nhận, giữa tháng 8, ba anh qua đời vì Covid-19.
Đến ngày 8.9, TTTDP đến nhà thông báo có 4 người được duyệt (trong đó có ba anh L.) lãnh tiền trợ cấp. Sau đó, anh L. phải đi tới đi lui nhiều lần, làm rõ vì sao TTTDP nói cả 4 người được duyệt lãnh tiền nhưng cán bộ phường chỉ đồng ý cho 1 người được nhận 1,5 triệu đồng.
Theo cán bộ UBND P.2 giải thích, đợt 2 chỉ hỗ trợ cho hộ lao động khó khăn, dù 4 người đều được xét duyệt nhưng chỉ giải quyết cho 1 người. Trong khi đó, theo các công văn của UBND TP.HCM đã ban hành, hướng dẫn hỗ trợ người dân trong cả 2 đợt (1 và 2),.
Đối với nghề rửa xe không thuộc 1 trong 6 nhóm đối tượng lao động tự do được hỗ trợ, nhưng không hiểu sao TTTDP thông báo 4 người trong gia đình anh L. đều được duyệt? Đáng ngờ, trong danh sách được xét duyệt nhận tiền mà chúng tôi có được thì đúng là 4 người trong gia đình anh L. đều có tên.
Sẽ kiểm tra và yêu cầu UBND P.2 báo cáo
Để làm rõ phản ánh của người dân về việc đăng ký nhiều người sống cùng một hộ thuộc lao động tự do khó khăn, gửi cho TTTDP, sau đó được duyệt nhưng không được nhận tiền
Chủ tịch UBND P.2 (Q.8) ông Phong cho rằng gói số 2 này phường chỉ thực hiện chi hỗ trợ cho hộ lao động khó khăn, không chi cho từng cá nhân thuộc nhóm lao động tự do mất việc do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 (!?).
Chủ tịch UBND P.2 lý giải những đối tượng lao động tự do đã được hỗ trợ hết trong đợt 1; vì vậy ở đợt 2, chính quyền chỉ chi trả cho các hộ lao động khó khăn.
Tuy nhiên, theo Công văn 2627 của UBND TP.HCM và Công văn 568 của Phòng LĐ-TB-XH Q.8 đều nêu rõ trong đợt 2, ngoài hỗ trợ cho hộ lao động khó khăn, vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhóm lao động tự do khó khăn.
Lý giải cho trường hợp người dân đăng ký nhóm lao động tự do bị mất việc và được duyệt, nhưng lại “biến” thành hộ lao động khó khăn được hỗ trợ.
Ông Phong giải thích: “Có thể anh em nhập nhầm, nhiều quá nên có thể có sai sót. Có khả năng anh em lấy danh sách đăng ký từ đợt 1 (dành cho nhóm lao động tự do khó khăn) nhập vô đợt 2”.
Vậy các trường hợp được xét duyệt, nhưng không được nhận thì số tiền này có bị thất thoát? Ông Phong cho hay số tiền này sẽ được chính quyền địa phương nộp lại cho ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH Q.8 cho rằng nếu chi tiền cho hộ lao động khó khăn, dù có nhiều nhân khẩu trong đó, chính quyền địa phương phải để cột địa chỉ nằm cùng nhau, số tiền nhận của tất cả các nhân khẩu phải gộp lại là 1,5 triệu đồng.
Lúc nhận tiền, một trong các nhân khẩu đều có thể đại diện ký nhận. Việc UBND P.2 lập danh sách tách biệt địa chỉ các nhân khẩu trong cùng một hộ, mỗi trường hợp nhận tách biệt 1,5 triệu đồng (dựa trên danh sách UBND P.2 đã cung cấp) là không đúng quy định.
Ngoài ra, trong danh sách xét duyệt/ký nhận chi hỗ trợ của UBND P.2 lại bỏ trống mục công việc của người nhận tiền. Vậy làm sao xác định họ thuộc nhóm lao động tự do hay thuộc hộ lao động khó khăn?
Vị cán bộ Phòng LĐ-TB-XH Q.8 khẳng định chính quyền cơ sở nói đợt 2 chỉ hỗ trợ cho hộ lao động khó khăn, không tiếp tục chi cho nhóm lao động tự do là không đúng.
“Riêng việc lập danh sách có tên trùng nhau là sai rồi. Chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu UBND P.2 báo cáo về những vấn đề này”, vị cán bộ này nói thêm.