Vào tháng 4-2021, bà N.T. (TP.HCM) đã đóng tiền cọc 20 triệu đồng để con xét tuyển vào ngành thiết kế ứng dụng sáng tạo tại ĐH RMIT Việt Nam. Cùng lúc đó, con của bà dự thi năng khiếu, xét tuyển bằng điểm học bạ THPT vào ngành thiết kế một trường đại học công lập tại TP.HCM.
Bà N.T cho biết: “Con tôi không muốn đóng tiền cọc ở ĐH RMIT Việt Nam vì sợ trúng tuyển nhưng không nhập học sẽ bị mất tiền. Tuy nhiên, tôi vẫn đóng vì lo chẳng may con không trúng tuyển vào trường đại học công lập đã chọn” .
Không được hoàn lại tiền nếu không nhập học
Sau khi có kết quả thi IELTS với điểm khá cao, con của bà T. đã được ĐH RMIT Việt Nam gọi điện mời nhập học. Bà T. đã đến trường này tìm hiểu thông tin. Khoản tiền cọc đã được nhân viên của trường tư vấn đầy đủ, nếu trúng tuyển mà không nhập học sẽ không được hoàn trả. Nhân viên này cho biết điểm của con bà T. rất tốt nên có thể chờ bên trường đại học công lập khác.
“Mình đã được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ nên giờ con trúng tuyển trường đại học công lập, không học ĐH RMIT thì chấp nhận mất cọc thôi” – bà T. chia sẻ.
Theo đó, một trường đại học khác cũng yêu cầu thí sinh đóng tiền cọc là Trường ĐH FPT. Khi thí sinh đủ điều kiện sơ tuyển nếu đăng ký giữ chỗ thì nộp phí 4,6 triệu đồng, không đăng ký giữ chỗ thì không phải nộp khoản phí này. Đối với thí sinh đăng ký giữ chỗ online sẽ gửi bản chụp biên lai nộp tiền gửi cho trường.
Trường thông báo ưu tiên các thí sinh có đăng ký giữ chỗ, hoàn tất các hồ sơ sớm cho tới khi hết chỉ tiêu. Phí giữ chỗ không được hoàn trả, nếu thí sinh đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh nhưng không nhập học hoặc thôi học sau khi đã nhập học.
Tuy nhiên, những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện nhập học theo quy chế tuyển sinh sẽ được hoàn trả toàn bộ phí giữ chỗ.Đồng thời, khi thí sinh trúng tuyển và nhập học phí giữ chỗ sẽ được chuyển thành phí nhập học.
Ràng buộc trách nhiệm thí sinh “Hạn chế hồ sơ ảo”
Giải thích về việc thu phí đặt cọc giữ chỗ học, bà Nguyễn Thụy Hoài Trâm – giám đốc marketing và tuyển sinh toàn cầu Đại học RMIT Việt Nam cho biết khi nộp đơn vào học tại Đại học RMIT Việt Nam, sinh viên mới sẽ được thông báo và giải thích rõ tất cả các khoản phí bắt buộc bao gồm phí xét hồ sơ 2 triệu đồng và phí đặt cọc cho chương trình liên thông đại học – đại học – sau đại học là 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phí đăng ký 2 triệu đồng không được hoàn lại. Sau khi nhận được thư mời nhập học, sinh viên có thể lựa chọn thanh toán khoản đặt cọc 20 triệu đồng để chính thức chấp nhận thư mời nhập học.
Trường sẽ giữ chỗ cho chương trình sinh viên đã chọn khi sinh viên thanh toán phí đặt cọc xác nhận sẽ tiếp nhận chỗ học. Đặt biệt, khoản tiền đặt cọc này sẽ được khấu trừ vào học phí học kỳ đầu tiên sinh viên đã đăng ký học nếu sinh viên đáp ứng các điều kiện đầu vào về học thuật và tiếng Anh.
Như vậy thí sinh đủ điều kiện nhưng không nhập học sẽ không được trường trả cọc giữ chỗ. Còn đối với trường hợp sinh viên đã nhận được thư mời nhập học có điều kiện nhưng không đáp ứng được các điều kiện về học thuật và tiếng Anh, hoặc nếu nhà trường hủy đợt khai giảng của ngành sinh viên đã chọn thì phí đặt cọc sẽ được nhà trường hoàn trả lại.
Đại diện Trường ĐH FPT cho biết: theo đề án truyển sinh trường tuyển sinh theo ngưỡng chất lượng SchoolRANK – chỉ nhận các thí sinh trong TOP 50 học sinh THPT toàn quốc.
Việc nộp phí giữ chỗ là tùy chọn, không bắt buộc khi thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào Trường ĐH FPT. Các thí sinh đều nhận lại khoản phí giữ chỗ này khi nhập học, hoặc không học nếu như có lý do chính đáng.
Theo quy định của trường, thí sinh có SchoolRANK đạt ngưỡng chất lượng và tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học. Khi nhận đủ chỉ tiêu, trường sẽ ngừng nhận hồ sơ và kết thúc tuyển sinh. Quy định tuyển sinh của Trường ĐH FPT đảm bảo công khai, minh bạch. Khi nhận đủ hồ sơ theo chỉ tiêu sẽ ngừng nhận đăng ký cho nên không vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT về việc lấy từ cao xuống thấp.
Cán bộ Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT có nắm thông tin về việc thu phí của Trường ĐH FPT và đã tham khảo Bộ Tài chính về việc thu phí này.
Theo đó, trong định mức kinh tế kỹ thuật, trường có quyền đưa mức phí này vào khoản thu của trường và phải có thỏa thuận trước với người học. Trường đã thông báo trước mức phí này và thí sinh chấp nhận nên cũng coi như đó là một thỏa thuận giữa hai bên.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ