Khi tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn tiến nhanh và vô cùng phức tạp, mỗi ngày đọc được thông tin về những ca nhiễm bệnh tăng lên khiến cho nhiều người trẻ cảm thấy nhớ vô cùng những khoảng thời gian trước đây, và ‘bao giờ hết dịch?’ để cuộc sống được trở lại bình thường, để chúng ta lại được gặp nhau, để những y bác sĩ, tình nguyện viên, những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch được trở về với gia đình của mình…
‘Bao giờ hết dịch?’ đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Hỏi thế không phải vì mất hy vọng, mà là để có động lực hơn, để nhắc nhở nhau hãy cố gắng hơn nữa, tuân thủ đúng lệnh giãn cách và quy tắc 5k để một ngày không xa tới đây sẽ có mốc thời gian cụ thể trả lời cho câu hỏi này.
Và ‘Bao giờ hết dịch’ còn là lời hẹn ước của nhiều bạn trẻ, cho một ngày thành phố trở lại cuộc sống bình thường, họ sẽ được gặp lại nhau với biết bao niềm hạnh phúc vỡ oà.
Bao giờ hết dịch sẽ rủ nhau đi ăn “sập luôn thành phố”
Vốn là chàng trai năng động, nay dịch bệnh phải ở phòng trọ một mình suốt thời gian dài, Đỗ Thành Nhơn (25 tuổi, trọ trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.9, Q.3, TP.HCM) bày tỏ: “TP.HCM đang trải qua đợt dịch mà chưa hề có trong tiền lệ. Mình đã phải ở nhà tính đến nay là hơn 2 tháng. Không thể gặp được gia đình, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp…
Phải nói tâm trạng của mình trong những ngày ở 1 mình trong phòng để chống dịch là thèm cảm giác đông vui tấp tập, thèm được gặp mọi người để có thể được trực tiếp nhìn thấy nhau, được trực tiếp nghe tiếng nói cười của nhau… những điều không thể làm được hoặc chỉ có thể thực hiện online suốt thời gian qua”.
“Ngày mà thành phố của chúng ta hết dịch, mình sẽ ngay lập tức lấy xe chạy 1 vòng khắp các nẻo đường, ngắm nhìn hình ảnh dòng người nô nức qua lại. Nếu như ngày thường phải trốn chạy khỏi cái đông đúc khói bụi, kẹt xe thì bây giờ mình lại thèm được chứng kiến, hoà vào cái khung cảnh đó hơn bao giờ hết. Sau đó thì mình sẽ về quê thăm gia đình.
Trước đây khoảng 1-2 tháng là mình đều về nhà thăm ba mẹ, thì nay đã hơn 3 tháng rồi mà mình chưa làm được điều này”, Nhơn vẫn luôn tưởng tượng ra viễn cảnh một ngày không xa khi thành phố sẽ hết dịch. Nhơn cho biết anh chàng có một nhóm bạn chơi chung từ những ngày đầu lên đại học.
Hằng ngày các thành viên trong nhóm đều cập nhật tình hình chống dịch cho nhau nghe. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức các buổi meeting online, hỏi thăm cũng như vui đùa qua internet. “Mọi người trong nhóm đều hứa với nhau, hết dịch sẽ rủ nhau đi ăn “sập luôn thành phố”.
Và ngày được trở lại công ty làm việc, nhất định sẽ đi làm thật sớm để ngắm nhìn văn phòng công ty. Buổi trưa ăn cơm cùng nhau ở căn tin công ty sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện làm sao để vượt qua được mùa dịch. Và phải lôi kéo được cả team đi team building, cũng như thực hiện những kèo đã hẹn trước từ lâu mà chưa có cơ hội được thực hiện”, anh chàng hài hước chia sẻ.
Hơn 2 tháng nay đành phải “yêu xa”, chỉ có thể thể hiện cũng như duy trì tình cảm với nhau bằng những dòng tin nhắn, hay những cuộc gọi…Nên bao giờ hết dịch, Nhơn sẽ sắp xếp để thực hiện ngay 1 chuyến du lịch cùng với người yêu cho thoả lại những ngày mong nhớ.
“Càng mong muốn, khao khát thành phố khoẻ mạnh trở lại, thì mình hy vọng mỗi cá nhân đều phải nâng cao tinh thần tự giác hơn nữa, chấp hành nghiêm túc chỉ chị của chính quyền như không ra khỏi nhà khi không cần thiết, thực hiện 5K…
Mong sao số lượng vắc xin về VN ngày càng nhiều, cũng như vắc xin được phát triển trong nước mau chóng có thể áp dụng tiêm cho cộng đồng. Chúc cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ thật nhiều sức khoẻ để chiến đấu với đại dịch này”, Nhơn gửi gắm.
“Bao giờ hết dịch sẽ lên chùa thắp nhang cho bà”
Chàng trai Quang Trọng Minh (25 tuổi, ngụ tại 298 Nơ Trang Long, P. 12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) thì cho biết tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và giãn cách kéo dài ở TP.HCM suốt hai tháng qua, với số ca nhiễm vẫn còn rất cao trong từng ngày khiến ai cũng lo lắng.
Lịch sử thành phố năng động nhất đất nước hình chữ S có lẽ đang được viết lên từng dòng bằng các mô hình tình nguyện góp sức cho người dân, bằng sự chung tay góp sức của toàn xã hội đến các thiên thần áo trắng đang hết sức mình chiến đấu với dịch bệnh.
“25 năm chung sống với Sài Gòn, từng được nghe bà kể những câu chuyện xưa về thời kỳ chiến tranh gian khổ, thấy cha ông ta đã chiến đấu anh dũng với ngoại xâm, qua bao nhiêu năm phát triển, thế hệ mình cũng đã, đang và chiến đấu với giặc Covid đó chứ.
Và mình cùng người dân cũng hy vọng rằng TP.HCM sẽ vẫn làm nên câu chuyện “đánh giặc hào hùng”. Để rồi sau đó, ngôn từ “bao giờ mới gặp lại nhau” được trả lời lại bằng một thời gian cụ thể, một cuộc hẹn cụ thể tại một góc quen, để được ăn lại chén tàu hũ nóng đặc sản Sài Gòn trước khi đi làm mỗi sớm mai”, Minh chia sẻ.
Và điều Minh mong ước nhất khi thành phố hết dịch là: “Cuối tuần, được đi chùa thắp hương cho bà, để nhìn lại nét bình yên nhưng lấp lánh từ bi ở khuôn viên chùa, được nguyện cầu và nghe tiếng đánh Đại Hồng Chung vang khắp thâm tâm mình, để yêu hơn sự bình yên hiện tại.
Và lúc đó, các thiên thần áo trắng được quay trở về thiên chức gia đình, khi nét hoa lệ của TP.HCM do dịch bệnh được thay bằng sự tấp nập, xởi lởi vốn có của người và đất Sài Gòn. “Gặp lại nhau khi hoa nở” và mình thì đang chờ những ngày xanh”, Minh bày tỏ.
Bao giờ hết dịch sẽ vui như một ngày lễ hội thật sự
Đào Đình Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì bày tỏ: “Mình tin rằng đến thời điểm hiện tại, đa phần các bạn trẻ cũng đã dần bắt đầu có sự thích nghi, cũng hình thành được thói quen mới nên việc các bạn cảm thấy bị “gò bó” cũng thật sự không còn là vấn đề quá lớn nữa.
Mình thấy có rất nhiều hoạt động online các bạn tự tạo ra để giao lưu, kết nối với nhau. Điều này có thể cho thấy phần lớn các bạn đều đã dần có sự thay đổi và có bước thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Tuy nhiên, ai cũng mong và thèm khát một ngày được gặp lại nhau trực tiếp, một ngày thành phố sẽ hết dịch để không còn những thương đau như hiện nay”, Đức chia sẻ.