Trong vùng dịch từ chối tiêm vaccine Covid-19 có bị phạt?
Việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ giúp người dân phòng tránh được sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 cũng như nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong các đợt tiêm chủng đầu tiên, vẫn còn một tỉ lệ người dân trì hoãn tiêm. Đây có phải là một vấn đề đáng lo ngại và pháp luật đang điều chỉnh như thế nào?
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh), khoản 1, điều 29, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau: “1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh”.
Tại điểm a, khoản 2, điều 30 của luật nêu Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1, điều 29 của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Như vậy người dân có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Tuy nhiên, theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17.10.2017 của Bộ Y tế, Covid-19 không nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Điều 2 Thông tư 38 yêu cầu tiêm chủng đối với 8 loại bệnh truyền nhiễm: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, tả, sởi, viêm não Nhật Bản B và bệnh dại.
“Không rõ đến thời điểm này Bộ Y tế đã cập nhật và bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục nêu trên hay chưa. Nếu đã bổ sung thì người dân bắt buộc phải tiêm vắc xin. Trong trường hợp người dân không tiêm có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 – 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020”, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đã có quy định bắt buộc một số tình huống. Cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu chống dịch từ đó ban hành quy định và khi đó mới xử phạt.
Với tình trạng hiện nay của Việt Nam, nhiều chuyên gia y tế cho rằng để có miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch cần bao phủ vắc xin Covid-19 đến 70% dân số, khi đó cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Vì vậy, tiêm vaccine vừa là quyền lợi nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ.
Vắc xin được cấp phép an toàn, hiệu quả. Ngay cả khi không đảm bảo 100% người đã tiêm có kháng thể, nhưng tất cả những người tiêm đều giảm được tình trạng nặng, giảm nguy không qua khỏi nếu nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Được biết trong các đợt tiêm chủng trước có một tỉ lệ người thuộc diện tiêm chủng nhưng chưa tiêm. Tình trạng này có nhiều lý do: người đó không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng hoặc bản thân người có chỉ định tiêm chủng từ chối tiêm…
Nhưng trong quá trình triển khai trên diện rộng, người dân thấy việc tiêm an toàn, dịch bệnh lại bùng phát phức tạp nên tỉ lệ người đi tiêm đang cao hơn rất nhiều.
Hơn nữa trước đây người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính chưa nằm trong nhóm đối tượng có chỉ định tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, hiện nay công tác chuẩn bị an toàn tiêm chủng tốt hơn, người có tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng… trong điều kiện sức khỏe phù hợp vẫn được chỉ định tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Những ngày gần đây, tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đã nhanh hơn trước nhiều, riêng ngày 30-7 đã có trên 400.000 người được tiêm chủng, ngày 31-7 riêng TP.HCM đã tiêm cho trên 104.000 người.