Biệt đội taxi chạy đua với tử thần, chở người đi cấp cứu, trong đó có cả các F0 đang là một trong những giải pháp ở TP.HCM để hỗ trợ tối đa, giành giật sự sống giữa lằn ranh sinh tử cho những bệnh nhận F0 bất ngờ trở nặng.
Ngày 5.8, ông Trần Văn Quỳ (57 tuổi, tài xế taxi Mai Linh) xách vali đến điểm tập kết tại một trường học Q.4 cùng một số tài xế, y bác sĩ, tình nguyện viên khác để bắt đầu những chuyến taxi cấp cứu.
Bằng mọi giá phải cứu được mọi người
Vừa nhận nhiệm vụ buổi sáng, đến chiều người nhà ông Quỳ gọi báo tin mẹ vợ 76 tuổi vừa mất vì Covid-19 khiến ông khựng lại. Đủ suy nghĩ rối ren trong đầu, nên về hay nên ở, ông lên ghế tài xế, ôm vô lăng, định chạy về để chịu tang. Sau ít phút quay mòng mòng giữa những lựa chọn, ông quyết định xuống xe, lững thững bước trong sân trường về lại phòng tập kết.
Ông kể lại “Vợ tôi đã mất vài năm trước nên trong bệnh viện khi ấy chỉ có em gái và mẹ, bệnh viện gửi đi hỏa táng, rồi gửi lại cốt cho gia đình.
Nhà không làm đám tang, tôi vào điểm tập kết rồi vào cũng sợ ảnh hưởng người thân, hàng xóm. Đồng nghiệp mình chạy xuyên suốt cả tuần qua vậy, mình về sao được”.
Ngày hôm sau ông liền bắt đầu với những chuyến xe taxi cấp cứu F0 liên tục, cũng là lần đầu ông Quỳ biết cảm giác nóng bức khi mặc đồ bảo hộ kín mít. Mồ hôi túa ra như tắm, chưa xong ca này đã có ca khác đang chờ, ông và đồng đội không có lấy một phút nghỉ ngơi.
Trong thời gian này, ông Quỳ lo đến mất ngủ phần vì nghĩ đến việc phải tiếp xúc trực tiếp F0 rất dễ dẫn đến lây bệnh. Nhưng rồi, ngay khi chạy taxi cấp cứu đến ca đầu tiên, mọi cảm giác sợ hãi bay đi đâu mất.
Tài xế taxi nhớ lại, đó là bệnh nhân F0 nặng hơn 100kg, oxy trong máu xuống thấp, bệnh nhân gần rơi vào hôn mê. Người nhà bệnh nhân bù lu bù loa khóc khi thấy thân nhân trở nặng.
Ông và bác sĩ của BV Nhân dân 115 cũng rất khó nhọc cùng nhau khiêng bệnh nhân ra xe cho thở oxy. Một lúc sau, tình hình mới dần dần khá hơn, bệnh nhân dần có ý thức trở lại, có phản xạ đau.
Ông chia sẻ: “Bệnh nhân rất nặng nên tôi phải xốc tay lên, bác sĩ khiêng phần chân. Mà xốc vậy thì mặt tôi và mặt bệnh nhân gần sát nhau luôn, dù có mặc bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn nhưng nghĩ lại vẫn ớn ớn. Hôm đó tôi phải chà xà phòng, xịt cồn khắp người, rửa cả mắt, mũi bằng dung dịch. Mới ngày qua test lại vẫn thấy 1 vạch nên tạm yên tâm”.
Hay có lần, đội của tài xế Quỳ đến chở cấp cứu cùng lúc 2 F0 trở nặng trong một gia đình trên đường số 48 (Q.4) đến Bệnh viện Q.4. Người còn lại trong gia đình cũng dương tính với SASR-CoV-2, thể trạng tốt hơn nhưng tay chân bủn rủn không biết phải xử lý thế nào.
Mở sẵn cửa xe, ông chạy thẳng vào trong nhà, cõng bệnh nhân một mạch ra xe. Mọi cảm giác sợ hãi lúc ấy không còn nữa, trong suy nghĩ của tài xế chỉ còn quyết tâm làm sao nhanh nhất đưa bệnh nhân ra xe thở oxy và tới bệnh viện cấp cứu.
“Nhìn họ kiệt sức, tím tái hay hôn mê vì Covid-19, người nhà không còn giữ được bình tĩnh, tôi càng thương mẹ và đau lòng hơn. Do vậy, dù là bệnh nhân có nặng ký hơn hay đoạn cõng từ nhà ra xe, từ xe vào phòng cấp cứu có xa mấy thì tôi cũng làm tức tốc vì không muốn gia đình nào phải chịu nỗi đau mất người thân vì Covid-19 như nhà mình”, tài xế Quỳ bộc bạch.
Thấy bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tiếp nhận an toàn, lúc đó ông Quỳ và đồng đội lại thở phào, quên hết mọi mệt mỏi.
Hết dịch mới về!
Nhớ cái ngày công ty thông báo tìm tài xế tình nguyện chở cấp cứu F0, ông Quỳ nói bóng gió với người nhà sẽ đăng ký chạy. Ai nấy trong nhà cũng cản, một người em còn nài nỉ ông ở nhà, nhắm chạy taxi cấp cứu được trả bao nhiêu tiền thì sẽ đưa ông đủ bấy nhiêu.
Nhưng nhìn những tình nguyện viên các tỉnh đổ về TP.HCM, nghe đồng nghiệp kể chuyện sung sướng khi tới kịp trước 5 – 7 phút để cứu được mạng người, ông càng quyết tâm hơn.
Ông Quỳ tâm sự “Mình là tài xế cứng tay lái, rành rọt đường sá, nếu không giúp sức lúc này thì giúp được lúc nào nữa khi mọi chuyện đều trong khả năng. Tôi nói với con đang là sinh viên, có thể giờ ba đi vầy, nhưng lúc về chỉ là một hũ cốt không chừng.
Người ta đi chợ cũng lây, đi đường cũng lây, giờ mình tiếp xúc trực tiếp F0 mà có lây cũng dễ hiểu. Nhưng dù sao thì xác định chạy cấp cứu rồi là phải hết dịch tôi mới về”.
Tại điểm tập kết, ông được sắp xếp ở cùng hơn chục người khác tại hội trường, đến bữa, mỗi người một hộp cơm, quay riêng ra một góc cắm cúi ăn.
Nhưng cũng hiếm lắm cả đội mới được bữa cơm ăn đúng giờ, còn 1 giờ sáng ăn tối hay đến quá buổi trưa mới ăn sáng là chuyện bình thường.
Được phân công chạy cấp cứu ở khu vực Q.4, nhiều tuyến đường nhỏ, hẻm hóc, ông Quỳ đều cụp gương chiếu hậu, nín thở lùi xe vào gần nơi ở của bệnh nhân nhất có thể để tiếp oxy kịp thời cứu F0 qua cơn nguy kịch.
“Dịch đã làm gia đình tôi mất đi một người thân, bằng công việc này, tôi mong góp sức để đưa F0 nhanh nhất đến viện, không để ai chịu nỗi đau mất mát như nhà mình.
Nhìn bác sĩ giành giật từng phút để cứu F0, tôi càng thêm chắc tay lái, chạy nhanh nhất có thể ngay khi nhận được điện thoại, có cực mấy đi nữa, nguy hiểm mấy đi nữa cũng chịu được. Việc đầu tiên tôi làm khi hết dịch về nhà là đến thắp nhang cho mẹ”, nói đến đây, ông Quỳ nhìn qua dãy nhà đang cách ly tập trung F0, dụi dụi mắt cố che đi những giọt nước mắt chực rơi.
Em Vũ Thị Minh Thúy (sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) – tình nguyện viên đội taxi cấp cứu cũng xúc động khi nói đến tài xế Quỳ: “Ở đây ai cũng biết nhà chú có tang, nhưng chú luôn giữ được bình tĩnh, nhiệt tình với công việc, nếu F0 không tự di chuyển được, chú chạy thẳng vào cõng F0 ra xe cấp cứu. Em rất cảm kích vì chú đã gác lại nỗi đau của bản thân, sự mất mát của gia đình để tập trung góp sức cứu người trong cơn nguy kịch”.