“Nếu TP.HCM bình yên trở lại, việc đầu tiên bạn muốn làm nhất là gì?” – Đi về nhà, đi lang thang cà phê ngắm phố phường, đi xin việc làm, đi ra ngoài một cách bình thản, đi ăn hết các món ngon… là những điều mong mỏi của người dân TP.HCM lúc này.
Thèm về nhà…
Chị Nguyễn Hương Thanh (27 tuổi, Q.Tân Bình, làm nhân viên bán hàng) cho biết, đã gần một tháng chị phải ở nhà vì cửa hàng đóng cửa phòng dịch Covid-19. Để giữ năng lượng tích cực, chị tự tập yoga, ăn uống theo chế độ khoa học duy trì vóc dáng, tập tành bán hàng online kiếm thêm thu nhập.
Gần 1 tháng trời, đoạn đường quen thuộc của chị chỉ là từ nhà trọ ra chợ, từ chợ về lại nhà trọ, không gặp gỡ ai, không lang thang cà phê.
Nửa tháng trước, chị Thanh định về nhà tại Khánh Hòa thăm cha mẹ trong những ngày nghỉ dịch, nhưng kế hoạch này phải tạm hoãn vì địa phương yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày với người về từ TP.HCM và phải qua 3 lần xét nghiệm Covid-19.
“Trên mạng người ta hay đùa là trước nói đi TP.HCM về, ai cũng quấn quýt, còn giờ mọi người sẽ báo y tế tới “bế” đi cách ly. Vì an toàn cho những người trong gia đình thì ở lại TP những ngày này cũng là một lựa chọn. Ngày còn đi làm bận bịu, tôi chỉ mong đến kỳ nghỉ dài, về nhà cho đã, giờ nghỉ dài cũng không về được nên nếu TP.HCM bình yên thì trước tiên tôi sẽ đi về nhà”, chị Thanh chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Minh Thương (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang tạm nghỉ việc vì dịch Covid-19 cũng mong mỏi ngày trở lại để đi về nhà khi TP.HCM bình yên. Anh kể, ngay sau lễ 30.4, công ty anh chuyển sang làm việc luân phiên, ưu tiên giải quyết cho nhân viên xin nghỉ phép dài. Anh sắp xếp để vợ con về quê trước, còn anh làm ráng hết tháng 5 rồi về sau.
Anh tâm sự: “Giờ vợ con muốn vào lại cũng không được, tôi muốn về cũng không xong. Chưa bao giờ thấy việc đi lại khó khăn như lúc này, chỉ mong TP sớm bình yên để tôi được về nhà thăm cha mẹ, được đón vợ con để cả nhà quây quần bên nhau”.
Mong hết dịch để tìm việc làm
Ngày cuối cùng của tháng 5, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 để phòng dịch, các địa phương lần lượt thông báo người về từ TP.HCM phải cách ly tại nhà, kế hoạch… toang.
Hơn 42.500 công nhân trong 5 tháng đầu năm tại TP.HCM bị mất việc hoặc ngừng việc. Những việc làm lao động tay chân như anh Phạm Duy Hưng (33 tuổi, quê Ninh Bình) cũng gặp khó vì nửa năm trời, anh vẫn thất nghiệp.
Nhà trọ vách tôn lủng lỗ chỗ nóng hầm hập bên dòng kênh đen ngòm giá thuê 2 triệu đồng/tháng chất đầy ve chai và những món đồ cũ hai mẹ con gom được. Tiếng quạt kêu rè rè, bữa cơm chỉ có bó rau luộc chấm nước mắm, vắt chút chanh cho dễ nuốt cho hai mẹ con cứ vậy ngày qua ngày. Hôm nào được nhận cơm từ thiện thì mẹ con mới có được bữa ngon.
Anh Hưng cho biết: “Cả 6 tháng tôi đi tìm việc nhưng không được, ở đâu cũng nói dịch khó khăn đang cắt giảm bớt người chứ không tuyển thêm. Đợt dịch này vừa xong thì đợt khác lại đến, giờ chỉ mong bình yên để mà đi tìm việc”.
Không có công việc chính, ve chai mùa dịch vừa ít vừa rớt giá càng làm cuộc sống của những người cắm mặt bới từng đống rác tìm miếng sinh nhai như anh Hưng chật vật hơn.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ