Người lao động nghèo mùa dịch mong chờ được hỗ trợ 2021-07-06 08:51:30 Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Người lao động nghèo mùa dịch mong chờ được hỗ trợ Dịch Covid-19 kéo dài và ngày càng phức tạp, điều này khiến nhiều người nghèo không còn sức gồng gánh. Anh Lê Kim Tiền (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) trước khi bùng dịch là một MC sự kiện – tiệc cưới, nay chuyển qua bán hàng online. Anh thở dài ngao ngán dọn dẹp lại mấy món đồ vừa giới thiệu trên livestream. Cuộc sống mưu sinh vất vả hơn Ngày trước, mỗi cuối tuần anh Tiền đều bận rộn với các tiệc cưới ở nhà hàng, còn đầu tuần thì nhận sự kiện từ đối tác liên kết. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhà hàng thông báo hủy tiệc, công việc của anh cũng dừng hẳn từ đó. “Không phải lần đầu việc bị ngừng, nhưng đợt dịch lần thứ tư này tôi bị ảnh hưởng nặng nhất, mọi thứ đứng lại. Tất cả MC đều không có cơ hội lên sân khấu để có thu nhập” – anh Tiền cho biết sau đó chuyển qua livestream cho một đơn vị bán hàng gia dụng. Có thể tận dụng được thế mạnh ăn nói của mình nên anh Tiền nhanh chóng thích nghi với công việc tạm thời hiện tại. Tuy nhiên phải làm việc cả tuần từ sáng đến tối, “ngồi nói một mình” trong studio. Doanh thu giảm hơn 50% so với lúc không có dịch. “Tôi may mắn vì còn có việc để làm dù bị giảm thu nhập. Nhiều bạn bè cùng nghề của tôi đã về quê vì thất nghiệp” – anh kể. Dịch bệnh nên nhiều công ty làm ăn khó khăn, cắt giảm nhân sự là việc không thể tránh khỏi. Anh N.V.T. – quản đốc của một công ty lớn ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân không may mắn là một trong những người phải rời khỏi công ty ngay trận dịch giữa năm 2020 và phải thất nghiệp suốt nhiều tháng qua. “Lúc giải quyết thủ tục nghỉ, tôi vẫn tự tin “số má” quản đốc của mình. Nhưng không ngờ gần một năm rồi vẫn không xin được việc mới dù đã chủ động đề xuất giảm lương so với mức thu nhập từ công ty cũ” – anh T. tâm sự chưa lúc nào bị rối trí tìm sinh kế như lúc này. Tình hình này người nghèo khó khăn thì càng thêm kiệt quệ đã đành, những người từng có thu nhập ổn định bây giờ cũng không thể cầm cự. Tiệm tóc của anh Đỗ Trường (ngụ quận Bình Thạnh) đã mở được 4 năm, nhưng anh không biết mình còn gắng gượng được đến khi nào sau nhiều lần phải đóng cửa vì dịch Covid-19, và đợt này thì không biết bao giờ mới được mở lại. Doanh thu salon của anh Trường đang bằng 0, trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải chi. “Tiền mặt bằng mỗi tháng 20 triệu đồng do nằm ngay trung tâm. Tiệm đóng cửa nên tôi tạm cho 4 nhân viên về quê và gắng hỗ trợ được một phần lương cứng cho các bạn ấy, còn phần trăm hoa hồng thì mất sạch vì có khách đâu. Đợt dịch này thật sự quá dài, không biết khi nào mới được trở lại” – ông chủ 31 tuổi nén tiếng thở dài. “Trước giờ công việc của tôi chỉ có làm tóc, nguồn thu hoàn toàn từ khách làm tóc. Những đợt trước có đóng cửa thì cũng ngắn hạn, còn biết ngày trở lại. Còn giờ mỗi ngày chỉ biết trông chờ, buồn lắm, nhưng tình hình chung nên biết làm sao bây giờ” – anh trĩu giọng và tâm sự thêm chưa biết xoay xở sinh kế khác như thế nào để qua đợt dịch này. Nhiều khoản tiền vây quanh Anh Trần Thiên Khiêm (27 tuổi, ngụ Q.4) thời gian này phải chạy đủ nơi xin việc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Anh đã bị mất việc từ hồi cuối tháng 5 khi quán anh làm đóng cửa. Nhìn thấy cảnh anh ngồi trong căn trọ vừa ru con ngủ, vừa lên mạng tìm nơi cần tuyển bảo vệ mà thương. Vợ anh cũng mất việc vì dịch bệnh, nhiều khoản tiền đè nặng lên gia đình anh như tiền trọ hai tháng chưa đóng, tiền tã, sữa cho con… khiến anh Khiêm phải tìm các app (ứng dụng) cho vay cắt cổ. App V. đầu tiên anh vay giải ngân nhanh. Nhưng vay 2 triệu đồng thì tiền anh thực nhận chỉ 1.480.000 đồng và phải trả cả gốc lẫn lãi gần 3 triệu đồng sau 10 ngày. “Chưa tới hạn trả tiền, tôi đã bị họ nhắn tin đòi. Tôi nói chưa có tiền thì hôm sau họ gọi điện đòi đưa hình tôi lên mạng, rồi còn gọi cho người thân tôi, nói tôi này nọ” – anh Khiêm kể. Đến lúc bí bách quá, anh Khiêm tiếp tục vay một app khác để tạm đắp một phần cho ứng dụng kia. App thứ hai anh vay 500.000 đồng có tên D. cũng với thủ tục đơn giản, người cho vay nhắn “nếu trả trong một tuần thì không tính lãi“. Một tuần sau anh vay tiếp để trả nốt số nợ app trước, nhưng lần này anh chỉ nhận được 1.160.000 đồng “vì trừ các loại phí”, trong khi anh đăng ký vay 1.500.000 đồng. Vợ anh Khiêm – chị Thùy Linh thấy chồng chạy vạy vay mượn khắp nơi, đành bán chiếc nhẫn cưới là thứ quý giá nhất còn lại trong nhà. Chị để con ở nhà cho anh Khiêm trông, còn mình ra đường nhặt ve chai, đắp đổi qua ngày. “Tôi thật sự cùng đường. Sắp tới mà thiếu tiền trọ nữa chắc ra đường ở. Muốn về quê An Giang nhưng giờ về thì khó mà cũng không biết lấy gì để sống” – anh Khiêm chùng giọng kể. Dịch bệnh kéo dài như thế này, vô số người lao động cũng sa lầy nợ nần như vợ chồng anh Khiêm. Ai cũng khó khăn nên không thể mượn bạn bè, họ vay app, kể cả vay nóng từ các “ngân hàng cột điện”. Nhiều người đem cả những “gia sản” ít ỏi của mình như điện thoại, xe máy để đi bán hoặc đi cầm, nhưng cũng không xoay xở được bao nhiêu lâu. “Hết cách xoay xở rồi, tụi tôi đang mong từng ngày từng giờ nhận được sự hỗ trợ để vượt qua đợt này” – chị Trần Thị Nết (trọ ở Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân) buồn bã tâm sự. Mùa dịch người dân hạn chế ra đường nên việc bán vé số cũng ế ẩm, chị cầm thêm bao để nhặt ve chai nuôi con nhỏ bị bệnh ở nhà trọ. Nhưng hiện nay những thùng rác hết người này đến người kia bới móc tìm miếng ăn, có còn gì nữa để nhặt? Nguồn tham khảo: tuoitre.vn