Người đến trước mua đầy ắp, kẻ đến sau chưng hửng 2021-08-03 04:25:23 Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️ Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️ Người đến trước mua đầy ắp, kẻ đến sau chưng hửng Theo quy định ‘mua theo phường’ đã được nhiều điểm bán hàng nới lỏng, nhưng do khách đông, khiến nhiều người đến sau thì không còn hàng. Nhiều người dân tranh thủ đi mua thực phẩm, và có xu hướng mua nhiều hơn trước đó khi TP.HCM thông báo tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 thêm 14 ngày nữa. Tình trạng thiếu hàng trên kệ vẫn diễn ra dù nhiều siêu thị khẳng định vẫn giữ mức tăng nguồn cung thực phẩm 2-5 lần so với bình thường để đảm bảo đủ cung cấp cho người dân. Trưa 1-8, nhiều siêu thị, cửa hàng dù treo bảng quy định khách đến mua phải có “phiếu mua hàng thiết yếu”, và mua theo phường, nhưng áp dụng không quá gắt gao như trước. Nhiều nơi nới lỏng hơn để người dân mua hàng. Tại cửa hàng thực phẩm Hà Hiền (quận Bình Thạnh), dù treo bảng chỉ bán cho khách có phiếu mua hàng của đúng phường, nhân viên tại đây vẫn linh động cho người dân vào mua dù khác phường. Còn ở cửa hàng Vissan đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), nhiều khách hàng khác phường vẫn được nhân viên cửa hàng cho vào dù phía trước treo bảng “phục vụ cho khách hàng tại phường 14 và 7 có phiếu đi chợ”. Nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao hơn khi nghe tin TP.HCM tiếp tục áp dụng chỉ thị 16. Người dân vào được siêu thị, cửa hàng thường mua khá nhiều đồ, thời gian mua lâu, dẫn đến tình trạng người đến sau xếp hàng dài chờ đến lượt. Một số nơi phải chủ động phát số thứ tự để giãn cách. Trưa khoảng 11h40, tại cửa hàng Co.opFood thuộc khu dân cư Chu Văn An (quận Bình Thạnh) có khoảng 20 khách hàng tập trung chờ đến lượt vào mua hàng. Bảo vệ đã phát phiếu mua hàng, mỗi lần vào mua sắm chỉ 2-3 người, khách mua xong thì khách phía ngoài mới được vào. Cầm số thứ tự ngoài 300, bà Hảo (quận Bình Thạnh) cho biết bà xếp hàng hơn 35 phút vẫn chưa được vào mua. Nhiều người cùng hoàn cảnh mệt mỏi đến mức phải ngồi bệt xuống chờ. Bà Hảo chia sẻ “Người đông, mỗi người lại mua nhiều nên dẫn đến việc chờ đợi lâu. Đến lượt tôi, tôi cũng phải mua nhiều vì phiếu mua hàng mà địa phương phát quy định tuần đi mua được 2 lần, giờ TP lại áp dụng giãn cách tiếp”. Tương tự, trưa 1-8, dưới cái nắng chói chang, trước cổng siêu thị Co.opmart (quận Bình Thạnh) có hàng chục khách hàng xếp thành hai hàng dài chờ đợi vào mua hàng. Một nhân viên tại đây cho biết siêu thị không áp dụng cứng nhắc quy định phải mua theo phường, thay vào đó ai có phiếu là được mua, không phân biệt nên lượng khách có đông hơn. Tuy nhiên, chủ yếu do khách hàng thường mua với lượng hàng nhiều nên người đến sau phải chờ lâu. tại Vinmart+ đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), nhiều người dân vẫn phải xếp hàng, nhưng một số người vào sau là không còn thịt heo, cá để mua. Nguyên nhân là do thịt được nhập về nhiều nhưng khách hàng đông nên đã mua hết chỉ trong vài tiếng, khoảng đến tầm trưa trở đi là không còn thịt. Còn ở các siêu thị như Co.opmart, Bách Hóa Xanh… cho biết vẫn dựa vào phiếu mua thực phẩm do chính quyền phát nhưng đã nới lỏng quy định chỉ “bán theo địa bàn phường” nên người dân yên tâm mua sắm. Để giải quyết vấn đề trên đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ làm việc lại với các địa phương, điểm bán để cân đối lại cung cầu nhằm đảm bảo người dân được dễ càng tiếp cận thực phẩm với “phiếu đi mua hàng thiết yếu”, có thể phân bổ hàng đối với điểm bán theo khu vực. Bên cạnh đó, khuyến khích các siêu thị, cửa hàng tăng mô hình bán hàng lưu động, bán theo nhóm mua, bán dạng “combo” đăng ký trước, và làm việc với quận huyện để xem xét ưu tiên mở các chợ “dã chiến”, bán thí điểm. Trong thời điểm hiện tại, lượng hàng rau củ quả đã dồi dào hơn trước, tình trạng thiếu hụt không còn phổ biến, giá các mặt hàng này đã giảm nhẹ so với trước đó mức 20.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại. Tương tự, hiện lượng trứng đã dồi dào hơn, tình trạng thiếu hụt đã không còn phổ biến, nhưng nhiều siêu thị vẫn quy định mỗi khách hàng chỉ mua được 1 vỉ trứng. Tuy nhiên, thịt heo và cá hiện nguồn cung chưa dồi dào như bình thường, một số cửa hàng qua buổi chiều thường không còn 2 mặt hàng này để bán. Giá thịt có xu hướng tăng so với bình thường với phần lớn ở mức 120.000 – 220.000 đồng/kg tùy loại.