Người dân TP.HCM tận dụng sân vườn, quán biến tấu thành điểm bán hàng dã chiến, siêu thị mini
Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️ Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️
Ngày càng nhiều cách cung cấp thực phẩm mới lạ giúp siêu thị bớt gánh nặng. Người dân hỗ trợ nhau sáng tạo quán ăn thành điểm bán rau “dã chiến”, biến tấu sân vườn thành “siêu thị mini”…. Sở Công thương TP.HCM khẳng định sẽ có nhiều giải pháp về nguồn cung.
Sáng 9/8, nhiều người dân tập trung trước khoảng sân rộng khoảng 30m2 của một gia đình trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để chọn mua rau, củ, thịt, cá…
Bà Tiện (Q.Bình Thạnh) một người mua hàng tại đây cho biết bà biết đến điểm bán này nhờ người quen giới thiệu và bà chọn mua thực phẩm tại đây đã nhiều tuần qua, thay vì chạy đến siêu thị như trước.
Bà Tiện tâm đắc “Tuy hàng hóa không dồi dào, giá cũng hơi cao so với mặt bằng chung nhưng được cái gần nhà, mua nhanh gọn, không phải xếp hàng chờ đợi như đi siêu thị”.
Một tiểu thương tại đây cho biết có chồng chở hàng cho siêu thị nên sẵn đó chị mua luôn để về bán lại. Theo đó, ngày đầu chỉ bán vài loại rau, củ để hỗ trợ người dân, nhưng khi thấy nhu cầu của người dân tăng lên nên gia đình bán thêm thịt, cá, tôm, trứng.
“Giá có hơi cao vì giá nhập vào tăng, nhưng so với trước đây thì rau, củ đã giảm rồi. Nguồn hàng đang dần đa dạng nên khách hàng nhiều hơn”, chị nói.
Cũng với hình thức bán hàng như trên, tại đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), bà Thúy đã “biến hình” quán ăn rộng khoảng 40m2 của mình thành một “siêu thị mini” với hàng chục loại rau, củ, quả các loại
Bà Thúy cho hay từ khi quán ăn nghỉ, thấy để không mặt bằng phí quá, trong khi có sẵn nguồn cung rau, củ nên bà quyết định mở điểm bán này để cung cấp thực phẩm cho người dân.
“Chỉ từ vài loại rau, củ ban đầu, đến nay mỗi ngày tôi bán ra từ 70-100kg các loại, tôi còn nhập thêm trứng, đậu hũ, đồ khô về để bán. Người dân có nhu cầu mua với số lượng nhiều thì có thể giao hàng tận nơi”, bà Thúy thông tin.
Bên cạnh đó, nếu người dân mua đông thì yêu cầu giãn cách, trang bị nước rửa tay. Tuy nhiên, do chỉ bán “dã chiến”, không có giấy phép kinh doanh mặt hàng này nên bà không tự tin mở rộng thêm.
Còn tại ngay trước cửa một siêu thị trên đường Phan Chu Trinh (Q.Bình Thạnh), nhiều ngày qua xuất hiện nhiều điểm bán rau, củ, tôm, thịt…, những người bán hàng tại đây đa phần là người dân “tay ngang” bước vào nghề.
Chưng bán khoảng 5kg tôm, 2 con gà làm sẵn, và một ít chả heo, một người bán tại đây cho biết nguồn hàng này được chị mua ở dưới quê miền Tây Nam Bộ, do sẵn mua ăn nên chị mua nhiều hơn để bán lại, và chỉ bán trong khoảng 2 tiếng đồng hồ buổi sáng là xong.
Với giá cả phải chăng, tôm bán ra giá 210.000 đồng/kg, chả 170.000 đồng/kg, gà làm sẵn từ 90.000-140.000 đồng/kg.
Mặc dù nguồn cung hàng thực phẩm hiện tại không thiếu nhưng do không có điểm bán cố định nên không dám mua nhiều.
Một số người bán kiến nghị”Chính quyền có thể xem xét mở chợ ‘dã chiến’ ở khu phố và hỗ trợ lực lượng quản lý, tổ chức để chúng tôi dễ bán, khách hàng cũng yên tâm lựa mua. Như vậy nguồn cung sẽ sớm dồi dào”.
Cũng trong sáng 9-8, tình trạng khách xếp hàng đợi đến lượt mua tại nhiều siêu thị vẫn còn, nhưng chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm 9h-11h, còn lại có xu hướng vắng khách hơn các ngày trước đó.
Về vấn đề hàng hóa tại nhiều siêu thị như Co.opmart, Co.opfood, Vinmart+… cũng đã dồi dào hơn, đặc biệt tình trạng thiếu hụt các mặt hàng rau củ, thịt, cá đã không còn phổ biến như trước, thậm chí lượng rau củ ở một số điểm bán đang dồi dào, cung vượt cầu.
Tại cửa hàng Vinmart+ (Q.Bình Thạnh), lượng rau được nhập về khá nhiều với hàng chục loại, một số rau còn được đại diện cửa hàng này cho biết phân phối lại cho các điểm bán khác trong hệ thống.
Giá cả nhiều mặt hàng bán ra tại các siêu thị hiện có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước như rau củ giá từ 20.000-35.000 đồng/kg tùy loại; cá biển, cá đồng phổ biến từ 70.000-90.000 đồng/kg tùy loại; thịt heo từ 120.000-190.000 đồng/kg tùy loại.
Dù vậy vẫn có thời điểm quá tải, đặc biệt khâu giao hàng. Tuy nhiên, tình trạng xếp hàng dài chờ đợi mua sắm đã không còn diễn ra nhiều như trước, nguồn cung rau, thịt hiện phần lớn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, trừ thời điểm hết hàng vào buổi chiều nên người đến sau sẽ không mua được nhiều đồ.
Ngoài ra, đại diện một siêu thị cho biết số lượng doanh nghiệp, chợ tổ chức bán hàng với nhiều hình thức đa dạng như lưu động, giao hàng tận nhà, bên cạnh đó đội ngũ người dân bán hàng thiết yếu dưới dạng “dã chiến” tại nhà… khá phổ biến đã giúp tình trạng xếp hàng chờ mua không còn phổ biến như trước.
Đại diện Sở Công thương cho biết nguồn cung thực phẩm cho người dân TP.HCM đã tăng lên, việc thiếu hụt hàng hóa đã không còn diễn ra phổ biến.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung trong điều kiện an toàn dịch bệnh, ngoài đề nghị các siêu thị tiếp tục giữ mức tăng nguồn cung, đơn vị sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, chợ tăng cường giải pháp bán hàng lưu động, bán theo “combo” đăng ký trước.