Vào ngày 13/8 vừa qua, Ban Dân vận Trung ương đã gửi một công văn đến Thủ tướng trình bày một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến công tác chống dịch Covid-19. Một trong số đó là kiến nghị việc “tiêm vaccine dịch vụ” cần sớm được nghiên cứu triển khai. Công tác này góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động đồng thời không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Đây là kế hoạch cần các tỉnh, thành nhanh chóng xem xét, ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động để duy trì sản xuất, đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ và việc làm, đời sống cho công nhân.
Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét trong trường hợp cụ thể có thể phong tỏa toàn bộ khu vực xuất hiện F0, không di chuyển F0, F1 ra ngoài về khu tập trung; triển khai việc xét nghiệm toàn dân chỉ khi có F0, bệnh viện được ưu tiên cho điều trị, dồn người cách ly ra khỏi bệnh viện trừ F0 nặng.
Tính đến 5/8, theo thống kê từ các cấp công đoàn, trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 21.900 công nhân, viên chức, lao động là F0; gần 94.300 F1, hơn 210.500 F2…
Hiện nay Việt Nam tiêm vaccine Covid-19 miễn phí. Cá nhân, tổ chức muốn đóng góp cùng Chính phủ có thể ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19.
Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 tháng 6/2021 có chủ trương như sau khi các nhóm ưu tiên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, đạt đến miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép một đơn vị thực hiện hợp tác công – tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội một liều” nhằm bảo đảm việc tiếp cận vaccine và tăng khả năng huy động nguồn lực xã hội.
Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về việc tổ chức tiêm cho người có nhu cầu tiêm và tự chi trả phí, nên thành phố kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng theo quy định tại Nghị định 104/2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng.