Cảm động với câu nói “đã lâu con không uống sữa” của người lao động trong mùa dịch 2021-06-12 11:13:53 Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Cảm động với câu nói “đã lâu con không uống sữa” của người lao động trong mùa dịch Không khí Sài Gòn bỗng trở nên lạnh lẽo, không phải do thời tiết mà do nó vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội này. Hiện nay, toàn bộ địa bàn tại TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ. Cuộc sống của những người lao động mưu sinh lề đường như những người bán vé số, nhặt ve chai… ngày thường đã bấp bênh, nay còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Người thì không có nơi để che mưa che nắng, người thì mất công việc không có tiền về quê. Xin thêm quà vì một phần không đủ chia Hành trình của nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn bắt đầu vào lúc 20h30 ngày 2/6, điểm xuất phát là từ chung cư Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sau đó đi khắp các hẻm nhỏ, đường lớn ở Q.1, Q.10, Q.5, Q.6,… cho đến khi phát hết quà. Mỗi phần quà được trao đi là nhận lại một câu chuyện, bởi vì nhóm luôn nán lại đế trò chuyện vài ba câu. Em Nguyễn Nhất Thiện (10 tuổi), cầm được quà trên tay miệng liền cảm ơn ríu rít. Em kể ngày thường em làm nghề phun lửa ở các quán nhậu đế kiếm sống, nhưng vì dịch các hàng quán đóng cửa, nên giờ em cầm thùng đi xin tiền lẻ. Tuy nhiên trong thời gian này người dân hạn chế ra ngoài nên cũng không kiếm được bao nhiêu, có tối gom lại chỉ có 20.000 đồng để trang trải cuộc sống của em và bà. Một mảnh đời khác là bà Dương Thị Liên (58 tuổi) đang ngồi trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) cùng với 2 chú chó của mình. Công việc mưu sinh của bà là ngày ngày đẩy xe đi vòng vòng kiếm ve chai nhưng cũng chỉ đủ ăn, giờ tình hình dịch bệnh như thế này nên nhặt chậm hơn bình thường. Tối đến thì kiếm chỗ ngồi nghỉ chân, kiếm cơm sống qua ngày. “Cha mẹ tôi đi hết rồi, chồng không, con cái không có nên ở một mình nuôi hai đứa này”, bà nói rồi âu yếm, vuốt ve hai chú chó. Nhóm nhìn quanh, cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Lượng (70 tuổi) sống cùng mấy đứa cháu trong một con hẻm. Bà chia sẻ bà được thuê trông nhà vào ban ngày với số tiền là 30.000 đồng, tối thì ra đường ngồi xin tiền để trang trải cuộc sống. Vì sợ không đủ chia cho các cháu nên bà muốn xin thêm một phần quà để mang về. Lên Sài Gòn xin việc nhưng… thất nghiệp Ai nghĩ Sài Gòn chỉ mới 21h hơn mà trên những con đường như An Dương Vương (Q.5), đường Trần Hưng Đạo (Q.1), Đường 3/2 (Q.10),… lại vắng người qua lại đến nỗi nhiều người lót vội miếng giấy để nằm ngủ trên lề đường. Ông Trần Văn Hóa (thường được gọi là chú Út) sau một ngày mưu sinh nên có người lay một lúc ông mới tỉnh dậy. Cầm lấy phần quà trên tay, ông vừa rưng rưng nước mắt vừa chia sẻ. Được biết ông từ Cà Mau lên TP.HCM để đi xin việc làm nhưng không ai nhận. Ông chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp mua lại với giá gần 200.000 đồng khi vừa bước chân lên thành phố. Còn gia đình, ông và vợ đã chia tay lâu rồi, mạnh ai nấy sống. “Lên Sài Gòn cũng được 1 tuần rồi. Buổi sáng thì mấy người ở xung quanh cũng ghé qua cho đồ ăn, buổi tối thì ngủ ở đây. Lúc mới lên Sài Gòn dành dụm tiền mua chiếc xe đạp để đi làm nhưng giờ chỉ xếp góc đường vì không có công việc”, ông nói. Nhóm thiện nguyện gặp chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ Q.6) khi còn những phần quà cuối cùng. Chị dẫn theo 3 đứa con cùng đi bán vé số. Chị kể ngày thường công việc của chị là đi nhặt ve chai nhưng vựa ve chai dừng hoạt động nên chị phải mượn tiền chuyển qua bán vé số kiếm tiền lo cho các con. “Nay mới bán ngày đầu tiên, bán 50 tờ vé số, nãy giờ bán được 30 tờ rồi còn 20 tờ nữa. Bình thường chỉ dẫn theo 2 đứa nhỏ mà nay đi bán vé số nên dẫn theo đứa lớn để phụ bán”, chị nói. Nhận được quà chị liền mở ra rồi lấy bịch sữa cho con uống, nét mặt vui mừng tâm sự đã lâu rồi không có đủ tiền để mua sữa cho con. Ảnh: tổng hợp Nguồn tham khảo: thanhnien.vn