Mong người dân nghiêm khắc với chính mình trong thời gian giãn cách toàn xã hội
Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình!
Quyết định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 nhận được nhiều sự ủng hộ, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội mong người dân tuân thủ nghiêm giãn cách để giúp TP nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
TP.HCM bắt đầu bước vào đợt giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp ngày 8/7 với TP.HCM đã nói “việc chống dịch ở thành phố là chưa từng có tiền lệ”. Quyết định này cũng khiến lãnh đạo thành phố “phải trăn trở, cân nhắc rất nhiều”.
Yếu tố quan trọng nhất trong công tác kiểm soát dịch vẫn là người dân và ý thức chấp hành của mỗi người.
Cách ly người với người, “ai ở nhà nấy”
Thời gian trước, tuy thực hiện các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, một số nơi áp dụng Chỉ thị 16, song người dân chưa thực sự nghiêm túc, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng đó là một phần nguyên nhân khiến dịch ở TP.HCM kéo dài, ngày càng phức tạp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về hiện tượng tập trung đông người ở điểm tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm. Nếu hiện tượng đám đông vẫn diễn ra thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Cả thành phố không thể an toàn nếu chỉ một chỗ sơ suất”, Phó thủ tướng lưu ý.
Nêu nguyên tắc “người cách ly với người”, các gia đình phải “cửa đóng then cài”, PGS.TS Trần Đắc Phu góp ý TP.HCM cần giải pháp quyết liệt hơn để người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách.

Hạn chế được sự tiếp xúc giữa người với người sẽ giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Nếu đợt giãn cách này người dân thực hiện hiệu quả thì các chuỗi lây nhiễm sớm được cắt đứt, sự lây lan của dịch giảm dần.
Cách ly xã hội toàn thành phố gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều vấn để, vì vậy hãy tận dụng triệt để khoản thời gian “quý” này để TP.HCM dập dịch. Cần sự đồng lòng của mỗi người dân, mỗi gia đình để thực hiện nghiêm quy định này, không tập trung đông người thậm chí trong phạm vi gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), nhắc lại theo tinh thần của Chỉ thị 16, người dân nên ở nhà và chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động).
Để giảm mật độ đi lại, tiếp xúc, người dân cần chuẩn bị đầy đủ, mua nhu yếu phẩm dùng trong 15 ngày.
Đối với những người dân bị ảnh hưởng bởi biện pháp cách ly xã hội, chính quyền thành phố cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ kinh tế. Có thể phát đồ ăn cho người dân 2 lần/tuần để đảm bảo tối thiểu rằng không ai bị đói.
“Nếu chính quyền không đảm bảo được những hỗ trợ tối thiểu thì không thể bắt người dân chịu đói nghe theo mình, cũng không thể xử lý được đợt dịch này”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Hỗ trợ tận tay những người dân gặp khó khăn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng tình hình dịch bệnh của cả nước, đặc biệt là TP.HCM, đang diễn biến rất phức tạp. Mỗi ngày có rất nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Được biết, việc giãn cách tại TP.HCM sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của cả nước, gây khó khăn đối với đời sống, sinh hoạt của người dân thành phố.
“Nhưng thời điểm này, bối cảnh này bắt buộc TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đó là giải pháp hữu hiệu, hợp lý để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lây nhiễm và phát triển các ổ dịch trên địa bàn”, ông Hòa nêu quan điểm.

Ông Hòa hy vọng người dân TP.HCM sẽ thông cảm, hiểu cho hoàn cảnh khó khăn, phức tạp hiện tại. Mong muốn người dân cùng ý thức chúng tay đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh chóng nhất, dù cho gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quy định ngặt nghèo này.
TP.HCM sẽ “vỡ trận” nếu người dân không đồng lòng tuân thủ giãn cách. Lúc này, ý thức của người dân sẽ đóng góp một phần rất quan trọng.
“Đã giãn cách phải giãn cách thật nghiêm” cũng là tinh thần được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tới lãnh đạo TP.HCM sau khi ông đồng ý cho TP áp dụng Chỉ thị 16. Theo người đứng đầu Chính phủ, TP.HCM cần triển khai Chỉ thị 16 quyết liệt, hiệu quả hơn.
“Chỉ cần người dân tuân thủ giãn cách, chấp nhận khó khăn để ở nhà 15 ngày, TP.HCM sẽ sớm kiểm soát, ngăn chặn được dịch và ổn định tình hình“, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Phải chấp nhận hy sinh trong thời gian ngắn thì mới mong những khó khăn và thiệt hại không kéo dài.
Với Chỉ thị 16, ông cho rằng rất nhiều hoạt động bị ngưng trệ, nhiều người rất khó khăn để duy trì, xoay xở trong nửa tháng nên chính quyền TP cần quan tâm tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Cần cắt bỏ bớt những thủ tục, rào cản để gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ đến tay người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, đặc biệt là với người nghèo, người mất việc, không có thu nhập hay những doanh nghiệp không thể sản xuất được…
Vấn đề này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu tâm. Ông yêu cầu TP.HCM dành sự quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu…
“Dành tất cả những gì tốt nhất cho TPHCM chống dịch“, Thủ tướng nói trong cuộc họp ngày 8/7 với lãnh đạo TP.HCM.

Chỉ thị 16 lần này áp dụng không phải là “liều thuốc tiên” để đẩy lùi ngay Covid-19. Trước nhất cần phải nghiêm túc và thực hiện quyết liệt mới mong mang lại kết quả.
Chia sẻ với lãnh đạo TP.HCM, Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là biện pháp mạnh, song không phải “chiếc đũa thần” có giá trị tuyệt đối. Theo ông, người dân cần hy sinh một số lợi ích, thậm chí chấp nhận thiệt thòi để ở nhà trong thời gian giãn cách. Chỉ khi tất cả thực hiện nghiêm, giải pháp này mới có hiệu quả.
Để đáp ứng mục tiêu kép và không ảnh hưởng quá nhiều đến phát triển kinh tế, những doanh nghiệp nào còn năng lực và khả năng sản xuất phải cố gắng giữ nhịp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu muốn làm được điều này thì công nhân, người lao động tốt nhất nên làm việc và sinh hoạt tại chỗ, chấp nhận thiệt thòi không được đi lại tự do, thoải mái.
“Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp phải tự chủ, đặt trong bối cảnh như thời chiến, tận dụng mọi tiềm năng, năng lực và cơ hội để tiếp tục sản xuất”, ông Nhưỡng nói.
Để giúp người dân yên tâm giãn cách, ông Nhưỡng nhấn mạnh các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị cung ứng hàng hóa phải chuyển đổi biện pháp để giúp người dân đảm bảo sinh hoạt tối thiểu, không gặp khó khăn hay thiếu thốn hàng hóa, lương thực, thực phẩm.
Khoảng thời gian này nên thường xuyên kiểm tra, giám sát những giải pháp chống dịch và xử lý thật nghiêm các vi phạm.
Nguồn tham khảo: zingnews.vn