Trong thời điểm này, một số tỉnh, thành giãn cách, nhiều người thường có tâm lý chuẩn bị sẵn các loại thuốc tại nhà để phòng trường hợp cần dùng. Trong số đó, loại được mua nhiều nhất là thuốc hạ sốt.
Biết rằng việc đề phòng là rất cần thiết nhưng mọi người cũng cần phải hiểu thật kĩ cách dùng. Bởi nếu dùng không đúng có thể dẫn đến những trường hợp nguy hiểm, thậm chí còn gây ảnh hưởng tính mạng.
Theo dược sĩ Vũ Thuỳ Dương chia sẻ với Sức khoẻ và Đời sống, tình trạng sốt không chỉ gây ra do việc nhiễm vi sinh vật, mà chúng còn có thể được sinh ra từ sự phản ứng của cơ thể với một số tác nhân dược lý.
Trong suy nghĩ của nhiều người, sốt chỉ là một biểu hiện bệnh nhẹ, có thể kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị tạm thời. Tuy nhiên trên thực tế, đôi khi sốt còn có thể là triệu chứng cảnh báo của một căn bệnh cơ bản nghiêm trọng, cần phải được đánh giá và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của sôt thông qua nhiệt độ cơ thể con người. Ở người bình thường, nhiệt độ trung bình sẽ là khoảng 37 độ C. Tuy nhiên khi bị sốt, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn tuỳ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh.
Để xác định chính xác tình trạng, mọi người chỉ cần dùng một chiếc nhiệt kế đo ở miệng, vùng hạ vị, trực tràng, thái dương hoặc dưới cánh tay theo quy trình do nhà sản xuất khuyến nghị.
Trường hợp sốt nhẹ (nhiệt độ dưới 38 độ C), không kèm cảm giác mệt mỏi, khó chịu thì không nên dùng thuốc hạ sốt. Thay vào đó nên điều trị loại trừ nguyên nhân gây sốt.
Còn nếu nhiệt độ trên 39 độ C với người trưởng thành, hay quá 38 độ C với trẻ nhỏ (từ 3-6 tháng tuổi) thì phải nhanh chóng tìm cách hạ sốt hoặc đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Ngoài ra, thuốc hạ sốt có 2 công dụng chính là giảm khó chịu và giảm nhiệt độ cơ thể xuống mức bình thường. Tuy nhiên, điều mà mọi người cần làm nhất khi bị sốt là xác định nguyên nhân cơ bản của sốt.
Từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Hiện nay, có nhiều cách giúp hạ nhiệt cơ thể mà không cần dùng thuốc, điển hình như là chườm khăn ấm lên trán, cởi bỏ bớt quần áo cho thoáng, lau qua người…
Nếu bắt buộc phải dùng thuốc để hạ sốt, mọi người nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn và nhà sản xuất. Bởi hiện nay, có rất nhiều loại thuốc hạ sốt trên thị trường.
Mỗi loại thuốc sẽ được dùng cho một nhóm đối tượng cụ thể, ví như ibuprofen được chấp thuận để hạ sốt cho bệnh nhân từ 6 tháng tuổi trở lên hay Aspirin là phương pháp điều trị không nên dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi…
Bên cạnh đó, cách dùng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Nếu mọi người không giữ đúng khoảng cách giữa các lần và các đợt dùng thuốc thì rất có thể sẽ khiến cho bản thân bị ngộ độc thuốc, rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Nguy hiểm hơn nếu sử dụng sai, thuốc hạ sốt, giảm đau còn được xem là một trong những hợp chất nguy hiểm hàng đầu lĩnh vực y tế. Dù liều lượng vẫn ở mức cho phép nhưng nếu dùng sai cách thì gan vẫn sẽ bị tổn thương.
Một số triệu chứng nguy hiểm đó là buồn nôn, chán ăn, đau bụng, nhợt nhạt… Tiếp đó là men gan tăng cao, suy giảm chức năng tế bào gan, khiến người bệnh đau đớn, rơi vào tình trạng hôn mê và có thể nguy kịch về tính mạng.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều trung tâm chống độc đã phải lên tiếng cảnh báo mọi người không nên có tâm lý tích trữ thuốc hay tự tìm cách chữa Covid-19 tại nhà.
Đồng thời, khi dùng bất kỳ loại thuốc gì, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo từ nhà sản xuất.
Để an toàn nhất, mọi người nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế, hoặc đến tận nơi để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.