Thống kê trong 10 ngày gần nhất (từ 4-7 đến 14-7) cho thấy một con số đáng lo ngại: số ca mắc vào ngày 4-7 mới chỉ vượt ngưỡng 6.000 ca, chỉ sau 10 ngày số ca này tăng gấp 3 lần. Như vậy trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 ca mắc, đặc biệt gần đây có ngày số ca mắc chạm ngưỡng 2.000 ca/ngày.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tổng số ca mắc COVID-19 này sẽ không có gì đáng lo ngại nếu “tất cả nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa”, bởi lúc ấy chúng ta đang ở thế chủ động, ca mắc dù cao vẫn đang “nằm trong lưới”. Nhưng thực tế tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang ngược lại, số ca “nằm ngoài lưới” không giảm mà đang tăng mỗi ngày.
Cụ thể các ngày 4-7, 5-7, 8-7 số ca mắc COVID-19 chưa xác định nguồn lây (đang điều tra dịch tễ) chỉ dừng ở mức 2 con số, lần lượt là 22 ca, 99 ca, 67 ca.
Thế nhưng trong 7 ngày tiếp theo số ca này tăng cao ở mức 3 con số với đỉnh điểm ngày 12-7 là 301 ca, 11-7 là 479 ca; các ngày còn lại đều từ 100 – 200 ca.
Tỉ lệ này, theo một chuyên gia dịch tễ, chứng tỏ dịch xâm nhập sâu vào cộng đồng với nhiều nhánh khác nhau.
“Khi số ca mắc chưa xác định được nguồn lây còn cao, dịch tại thành phố rất khó kiểm soát trong thời gian ngắn. Cần phải tận dụng thời gian vàng trong 10 ngày giãn cách để đưa ra các chiến thuật xét nghiệm trọng tâm, phát hiện càng nhiều F0 “lang thang” càng tốt, từ đó mới có hy vọng chặt đứt các nguồn lây phát tán trong cộng đồng” – chuyên gia này phân tích.
Trở lại công tác phát hiện F0 vừa qua có thể thấy tỉ lệ các ca được phát hiện thông qua khám sàng lọc ở các bệnh viện, trung tâm y tế; mở rộng xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng trong thời gian qua khá lớn.
Một phần cũng đến từ việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch với phương châm “thần tốc bao vây dập dịch”, nhanh chóng làm sạch khu vực có ca bệnh.
TS.BS Phạm Hùng Vân – chuyên gia dịch tễ học, nguyên giảng viên khoa vi sinh (ĐH Y dược TP.HCM) – cho rằng các ca mắc đang phát sinh hiện nay có thể đã lây lan trước khi giãn cách xã hội và kéo dài âm ỉ cho đến nay.
PGS.TS Nguyễn Duy Phong – phó trưởng khoa y tế công cộng (ĐH Y dược TP.HCM) – cho rằng sở dĩ có hiện tượng “không nguồn lây” là bởi rất khó xác định ca mới phát hiện là ca riêng lẻ, hay từng là F1 của ca F0 mất dấu nào đó.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ