Kỷ niệm đáng nhớ của gia đình có 7 người đều là F0
Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️ Xuân Hoài Amidst so many disparities Please don't be weakness❤️![](https://sinhvienplus.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/f63d79b9_bd25_4bb1_8138_41a149f93317_000e0321_8876b06d24.jpg)
Lời tâm sự của cô gái trẻ P.G. khi cả nhà đều là F0, cảm thấy may mắn vì được phát hiện sớm và đã luôn thể hiện thái độ lạc quan trong suốt quá trình điều trị bệnh.
Tại một gia đình quận Bình Thạnh, TP.HCM có tất cả 7 người đều là F0, mỗi người được đưa đi điều trị ở các bệnh viện khác nhau. Trong đó có N.Q.P.G. (23 tuổi) đã trải qua 30 ngày chiến đấu với Covid-19, cô đã chia sẻ lại toàn bộ hành trình đầy kỷ niệm của mình.
Bản thân P.G cảm thấy may mắn khi phát hiện mắc Covid-19 sớm, tránh lây cho người khác. Ban đầu cô điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Vào viện lúc 12h đêm, G. bình tĩnh ngủ 1 giấc rồi sáng hôm sau dậy khai báo lại lịch trình đi lại và lên danh sách những vật dụng cần thiết để nhờ người gửi vào.
![P.G. ban đầu được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh: Kinh Tế Đô Thị)](https://static2.yan.vn/YanNews/2167221/202107/tam-su-cua-co-gai-co-7-nguoi-trong-gia-dinh-deu-la-f0-f1b6a1fe.jpg)
Đều đặn mỗi buổi sáng, các F0 sẽ được đo nồng độ SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) và phát thuốc. Đối với người nào có triệu chứng ho, sốt hay đau họng…có thể gọi đến đường dây nóng của bệnh viện để nhận thêm thuốc. Ngoài ra, hàng ngày bệnh nhân được cung cấp 3 bữa ăn, ai muốn ăn cháo thì đăng kí riêng.
P.G. chia sẻ.“Những ngày đầu tôi mệt mỏi, có hơi sốt, đau họng và ho rất nhiều, đến mệt lả luôn. Hai ba ngày sau thì mất khứu giác, vị giác. Tôi chẳng thể nào quên, ngày mình bị loét vòm họng không ăn được cơm mà chưa đăng ký cháo, cô y tá đã đi sang từng phòng khác tìm hỏi xin cho tôi gói cháo ăn liền và dặn dò ‘dù khó nuốt cách mấy nhớ ráng ăn vào nha’.”
Dù phải đi cách ly một mình, xa gia đình và người thân nhưng P.G vẫn luôn cố gắng lạc quan, tự động viên mình trong thời gian ở viện. Đến ngày thứ 9 thì cô khỏe hơn và bắt đầu có cảm giác thèm ăn.
![Mặc dù có lúc mệt mỏi nhưng G. vẫn cố gắng suy nghĩ tích cực nhất có thể. (Ảnh: N.Q.P.G.)](https://static2.yan.vn/YanNews/2167221/202107/tam-su-cua-co-gai-co-7-nguoi-trong-gia-dinh-deu-la-f0-05439d2d.jpg)
Sang ngày điều trị thứ 15, G. được chuyển đến bệnh viện dã chiến. Thay vì chỉ ngồi 1 chỗ than vãn, cô và những người cùng phòng thường tìm việc để làm, suy nghĩ tích cực.
Khi nói về các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, G. cho rằng tất cả luôn lặng lẽ phía sau chăm sóc, quan tâm đến tất cả người bệnh. Họ thường gọi bệnh nhân là: “Bệnh nhân của em đâu rồi ạ?”, “Bệnh nhân của em hôm nay khỏe không ạ?”, những điều ấy khiến P.G. cảm thấy vô cùng gần gũi.
P.G. tâm sự: “Tôi nhớ một hôm, có F0 hỏi bác sĩ ‘Khi nào tôi được về vậy cô?’. Bác sĩ trả lời: ‘Khi nào khỏi bệnh thì về, đâu có ai mà hổng trông về. Tui đây nè, đi mấy tháng rồi, con nhóc nheo ở nhà thẩy cho họ hàng chăm luôn, có về được đâu, lúc này làm sao dám nghĩ tới tình cảm cá nhân được nữa’.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng, không chỉ riêng một F0 nào khó khăn, đội ngũ y bác sĩ, cả Sài Gòn và Việt Nam của chúng ta đều đang cố gắng hết sức đối mặt với Covid-19.”
![Nơi ở của G. tại Bệnh viện dã chiến. (Ảnh: N.Q.P.G.)](https://static2.yan.vn/YanNews/2167221/202107/tam-su-cua-co-gai-co-7-nguoi-trong-gia-dinh-deu-la-f0-27811177.jpg)
Trong quãng thời gian điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện dã chiến, P.G. từng chứng kiến những lần điều dưỡng, lao công hay dân quân chỉ có 1-2 người nhưng phải làm việc từ sáng đến tối muộn để lo cho hàng trăm bệnh nhân khác. Có lần, dù đã 8h tối nhưng họ còn chưa được ăn cơm chiều.
Sau khoảng 4 lần P.G. cùng những người trong phòng được xét nghiệm đều âm tính thì cô cùng mọi người được xuất viện. Mỗi khi cầm trên tay tờ kết quả âm tính là ai cũng vui mừng. Ngày nhận được cuộc điện thoại thông báo được ra viện, cô nói như hét lên: “Phòng 508, dìa (về) nha!”
“Ngày chúng tôi xuất viện, cả phòng đi ngang các phòng khác, ai cũng chúc mừng. Tôi dạ rõ lớn, nói nguyên cả hành lang nghe: Chúc tất cả mau hết bệnh, từ từ rồi chúng ta sẽ về nhà hết thôi.” G. nói.
![G. vô cùng vui mừng khi cầm giấy ra viện trên tay. (Ảnh: N.Q.P.G.)](https://static2.yan.vn/YanNews/2167221/202107/tam-su-cua-co-gai-co-7-nguoi-trong-gia-dinh-deu-la-f0-c1dc4e35.jpg)
Kỷ niệm khi còn trong bệnh viện là những kí ức khiến P.G không thể nào quên được , mọi người nhường nhau từng cốc mì, chia nhau viên thuốc. Những bạn trẻ còn đỡ phần bác sĩ chăm sóc cho F0 lớn tuổi từ việc đút ăn, trở thành chỗ vịn cho họ di chuyển…
Ngoài G. thì 4 F0 khác trong gia đình đều đã chiến thắng Covid-19. Nhưng riêng ông bà ngoại do lớn tuổi, lại có bệnh nền nên không qua khỏi. Mặc dù rất buồn về điều này nhưng G. vẫn muốn gửi lời tri ân đến những nhân viên y tế đang phải căng mình chống dịch.
Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của không ít người. Nhưng nếu tất cả cùng cố gắng, chia sẻ khó khăn thì hi vọng ngày đẩy lùi được Covid-19 sẽ không còn xa nữa.