Không để “giấy xét nghiệm âm tính” đẩy giá thực phẩm 2021-07-06 04:26:58 Mỹ Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Mỹ Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Không để “giấy xét nghiệm âm tính” đẩy giá thực phẩm Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 dần trở thành ‘giấy thông hành’ để vào nhiều nơi, kể cả chợ. Đảm bảo hàng hóa thế nào? Tất cả những người vào chợ đều phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính là biện pháp được chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) triển khai. Để thông thương hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, tài xế phải có giấy xét nghiệm và chỉ có thời hạn trong khoảng thời gian nhất định. Nhà kinh doanh đang phải tính nhiều cách để chủ động nguồn cung hàng hóa. “Giấy thông hành” Đại diện ban quản lý chợ Bình Điền cho biết kể từ tối 5-7 đơn vị này áp dụng quy định khách hàng và thương nhân vào chợ phải trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Qua xét nghiệm nhanh, chợ ghi nhận số ca dương tính COVID-19 tăng vọt, có trường hợp lây lan đến các chợ lẻ. Do đó, yêu cầu có giấy xét nghiệm để vào chợ đối với toàn bộ khách hàng, thương nhân, người lao động tại chợ là cần thiết, nhằm duy trì hoạt động cung cấp thực phẩm cho TP. Ông Phan Thành Tân – giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền – cho biết từ hôm 4-7 chợ đã tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng cho tất cả người ra vào chợ gồm tiểu thương, người lao động. Thừa nhận có tình trạng lộn xộn, đông người vào sáng 5-7, theo ông Tân, là do những người này chưa kịp được lấy mẫu xét nghiệm trước đó nên có tâm lý lo lắng không vào được chợ. Việc tập trung đông mang tính thời điểm do thương nhân không tuân thủ giãn cách, còn về cơ bản chợ đã chia làm 5 khu để xét nghiệm và chia thời gian xét nghiệm. Ngay sau khi được bảo vệ thông báo toàn bộ tiểu thương sẽ được lấy mẫu thì tình hình nhanh chóng ổn định. Tính đến trưa 5-7, chợ cơ bản đã hoàn thiện việc xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm nhanh cho khoảng 12.000 người. Ông Hải – thương lái tại chợ Bình Điền – cho biết ông đã có giấy xét nghiệm nhưng vẫn còn một số người chưa làm kịp xét nghiệm nên không thể lấy hàng về bán. Trả lời vấn đề này, đại diện chợ cho biết đã tính đến nguy cơ đứt gãy hàng về chợ lẻ. Dự báo lượng khách hàng và thương nhân đến chợ Bình Điền sẽ giảm sau khi đơn vị áp dụng quy định này, tuy nhiên mức giảm không đáng kể nên lượng hàng nhập chợ khả năng không giảm nhiều và khách hàng vẫn phân phối bình thường về các chợ lẻ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương – quản lý bộ phận thu mua Bách Hóa Xanh – cho biết sau khi Đồng Nai áp dụng quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới cho vào địa bàn kể từ 0h ngày 5-7, nhiều mặt hàng của nhà cung cấp không thể giao cho siêu thị trong ngày 5-7. Cụ thể, hàng hải sản miền Trung, rau Lâm Đồng và thịt heo, là các mặt hàng hầu hết phải vận chuyển qua địa phận Đồng Nai, có hiện tượng giảm nguồn cung so với bình thường. Bà Thương cho hay nhiều nhà cung cấp không tuân thủ phải có giấy xét nghiệm âm tính vì thấy việc xét nghiệm chỉ có thời hạn ngắn, chi phí đội lên nên đơn vị đang phải làm việc lại. Trường hợp gặp khó ở các nhà cung cấp, nhiều mặt hàng sẽ kéo dài việc thiếu hụt. Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết không áp dụng quy định có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào chợ. Lý do: thương nhân, lao động tại chợ và hiện lượng khách hàng mỗi đêm vào chợ khoảng 5.000 – 6.000 người, 2/3 tài xế chở hàng là ở các tỉnh. Vì thế, nếu muốn áp dụng quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính mới cho vào chợ thì cần phải tính toán hợp lý. Lo tăng chi phí Trong khi đó, hàng hóa thông thương giữa các tỉnh với TP.HCM cũng phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Ông Nguyễn Ngọc An – tổng giám đốc Công ty Vissan – cho hay quy định phải cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để lưu thông hàng hóa qua các tỉnh như Đồng Nai khiến quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn, chi phí tăng lên. Tuy vậy, đơn vị chấp nhận làm để đảm bảo nguồn cung, cái cần là khâu xét nghiệm phải thuận lợi. “Hiện nay kết quả xét nghiệm có hiệu lực trong 24 hoặc 72 giờ, vậy có đủ địa điểm, cơ sở để người dân làm xét nghiệm không? Liệu có xảy ra tình trạng ùn ứ tại điểm xét nghiệm?” – ông An đặt câu hỏi. Đại diện hệ thống Saigon Co.op cũng cho biết đơn vị ứng phó với quy định trên bằng cách áp dụng dịch vụ xét nghiệm nhanh cho lực lượng tài xế từ trước đó nên cơ bản vẫn đáp ứng được quy định của các địa phương. Cấp phép lưu thông liên tục Theo Sở Công thương TP.HCM, để đảm bảo vận chuyển hàng hóa trên địa bàn, đơn vị này đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép lưu thông liên tục, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… Riêng với các địa phương, sở vẫn đang tích cực làm việc tìm cơ chế thực hiện chung và có hướng dẫn sớm cho người dân. Mới đây, để tránh đứt gãy hàng hóa với tỉnh Tây Ninh, sở đã nhanh chóng rà soát, bố trí một khu vực ở huyện Củ Chi (giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và TP.HCM) làm nơi bàn giao, tiếp nhận phương tiện, hàng hóa, nông sản, thực phẩm giữa hai địa phương. Qua đó nối lại giao thương từ Tây Ninh đưa về các chợ đầu mối tại TP.HCM vốn đang bị gián đoạn trong hơn một tuần qua. Sớm đưa chợ truyền thống trở lại hoạt động Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục làm việc với phòng kinh tế các quận, huyện, TP Thủ Đức và ban quản lý các chợ truyền thống để tìm giải pháp nhanh chóng đưa các chợ đang bị phong tỏa hoạt động an toàn trở lại. “Thực tế hiện nay các chợ đều gặp lúng túng trong phương án khắc phục, do đó sở cho biết sẽ xây dựng phương án mẫu để triển khai hướng dẫn các chợ thực hiện” – đại diện Sở Công thương cho biết. Ngày 5-7, tổng lượng hàng hóa về hai chợ đầu mối đạt gần 5.000 tấn, giảm 1% so với ngày trước đó. Các mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm, hải sản giảm nhẹ từ 4 – 7% so với ngày trước đó. Giá bán cơ bản ổn định do sức mua ngày đầu tuần thấp. Ảnh: Tổng hợp Nguồn tham khảo: tuoitre.vn