Theo mô hình dự báo của Mỹ, hôm nay, vùng áp thấp này sẽ vào Biển Đông, hoạt động ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa.
“Dự báo của Mỹ những ngày trước nhận định vùng áp thấp này mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có hướng di chuyển đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa, rồi đi vào miền Trung nước ta.
Còn dự báo sớm nhất 1h sáng nay lại cho rằng nó đi ngang đông đông bắc quần đảo Hoàng Sa, rồi đổ bộ phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Vị trí đi vào đất liền hiện vẫn chưa rõ ràng” – bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 3-7.
Bà Lan cho biết thêm trong tuần tới, khi vùng áp thấp này hoạt động trên Biển Đông sẽ làm gió tây nam mạnh lên. Bắt đầu từ thứ hai (5-7), Nam Bộ sẽ có mưa nhiều hơn, thời tiết đặc trưng sáng nắng chiều mưa, đặc biệt Tây Nguyên và các tỉnh ven biển sẽ có mưa to.
Miền Trung nắng nóng đến giữa tuần sau, sau đó dải hội tụ nhiệt đới kết hợp áp thấp sẽ gây mưa dông cho khu vực. Do nắng nóng lâu nên gây ra đối lưu nhiệt, đối lưu ẩm làm xuất hiện lốc xoáy, dông gió nguy hiểm.
Miền Bắc đang chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố khí tượng áp thấp nóng phía tây và rãnh thấp hoạt động vắt qua Trung Quốc. Do đó thời điểm này sẽ có nắng nóng nhiều khu vực.
Từ ngày 5-7 trở đi, khi vùng áp thấp vào Biển Đông kéo rãnh thấp hạ trục dần xuống gây mưa cho nhiều khu vực. Bắc Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ trên các sông suối vào cuối tuần tới.
Theo cập nhật mới nhất, vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, còn bão chưa chắc. Tuy nhiên nhiệt độ thay đổi thường xuyên, do đó diễn biến sẽ còn phức tạp trong những ngày tới.
Theo Tuổi Trẻ