Ngày 30/8, tại lễ khánh thành Bệnh viện dã chiến Phước Lộc, huyện Nhà Bè, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết sau hơn 1 năm tham gia tuyến đầu chống dịch, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã nhiễm Covid-19, 10 người không qua khỏi.
Với tình cảnh nguy hiểm, lực lượng mất mát nhiều, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh và lãnh đạo Bộ Công an đã thống nhất xây dựng Bệnh viện dã chiến Phước Lộc với quy mô 300 giường để điều trị cán bộ, chiến sĩ mắc Covid-19, giảm tải cho Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thời gian qua lực lượng công an đã sát cánh cùng lực lượng quân đội và ngành y tế thực hiện nhiệm vụ tại tuyến đầu, đảm bảo an ninh trật tự, tham gia chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân.
Dự kiến sắp tới phía công an sẽ tiếp tục hỗ trợ trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm chắc tình hình dịch bệnh, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự xúc động về những đóng góp, hy sinh của lực lượng công an trong cuộc chiến chống dịch.
Ông cho rằng, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc đi vào hoạt động là “thêm hi vọng, thêm niềm tin sẽ có rất nhiều cuộc sống được giữ lại”.
Cũng trong một hội nghị trực tuyến chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh để ứng phó với dịch bệnh, toàn lực lượng công an đã nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tham gia vào tuyến đầu.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã phải căng mình, ngày đêm thường trực cao điểm để phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh
Bộ trưởng bày tỏ “Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong Công an là pháo đài vững chắc chống dịch.”.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, những chiến sĩ Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Quản lý hành chính…đã xuất quân tăng cường cho các tỉnh thành là điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, các chiến sĩ công an còn chịu áp lực nặng nề, công việc vất vả, ăn uống, ngủ nghỉ đôi khi rất qua loa.
Đã có những người gục ngã vì mệt mỏi, suy kiệt nhưng khi hồi phục, họ lại tiếp tục xông pha để bảo vệ cuộc sống của mọi người.
Các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân đều tham gia chống dịch với tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Họ xứng đáng là những người hùng trong cuộc chiến này và mọi sự hi sinh đều cần được ghi nhớ, trân trọng.