Đây là câu chuyện về chàng trai trẻ chạy xe ôm trích nửa phần thu nhập của mình để mua cơm và tặng tiền cho người lao động nghèo đang chật vật giữa mùa dịch, hẳn sẽ khiến nhiều cảm thấy xúc động và ấm lòng.
Trong thời điểm hiện tại, TP.Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Đang đi trên đường đường 30 tháng 4 (Q.Ninh Kiều) thì trời đổ mưa tầm tã, anh Hoàng Tuấn Vũ (28 tuổi) liền dừng xe để trao cơm cho một người đạp xe đi lượm ve chai
Trong cơn mưa tầm tã, cầm bịch ni lông đựng hàng chục hộp cơm, anh Vũ hỏi: “Cô ơi, nay con có cơm gà, cá, heo quay… cô thích ăn món nào để con lấy cho cô”.
Suy nghĩ giây lát, bà Nguyễn Thị Huệ (60 tuổi, tạm trú Q.Ninh Kiều) hằng ngày nhặt ve chai kiếm sống, trả lời: “Hôm qua con cho cô hộp cơm thịt heo quay rồi, nay cô chọn món cá nha, mà con có cá biển không, cô thèm mấy nay mà không có tiền mua ăn”.
Vậy là, anh Vũ lấy liền hộp cơm cá biển, kèm chai nước và 100.000 đồng tặng bà Huệ.
Cầm phần đồ ăn trên tay bà không nén được xúc động, bà Huệ rưng rưng nói: “Bản thân nghèo khó, tôi một thân mình đi nhặt ve chai kiếm sống. Dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày lượm bán chưa tới 10.000 đồng, không đủ tiền mua đồ ăn. Mấy hôm nay nhờ có cháu Vũ thấy tôi hay đạp xe qua đường 30 Tháng 4 nên đón để cho cơm, kèm theo tiền hỗ trợ khiến tôi mừng lắm”.
Tiếp đó anh Vũ gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Lượng (41 tuổi, ngụ P.Tân An, Q.Ninh Kiều, sống bằng nghề bán vé số dạo) đang trú mưa.
Ghé lại hỏi thăm mới biết vợ chồng ông đang đi xin cơm từ thiện nhưng không hay quán đã tạm nghỉ. Ông định bụng tìm chỗ mua cơm cho 2 con, còn hai vợ chồng ông ăn bánh mì cho đỡ tốn, bởi vé số ngừng bán không kiếm đâu ra tiền.
Ngay lập tức anh Vũ lấy 4 hộp cơm ra cho, kèm thêm ít tiền gửi tặng. Sau khi phát cơm cho bà Huệ và vợ chồng ông Lượng, anh Vũ nhanh chóng chạy đến con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Việt Hồng để cho bà con xóm trọ nghèo
Về quyết định làm thiện nguyện này anh Vũ chia sẻ sau khi chứng kiến nhiều người lao động nghèo, cơ nhỡ mưu sinh ngoài đường phố kiếm từng đồng trong mùa dịch khiến anh xót xa. Vậy nên anh quyết định mua cơm gửi tặng.
“May mắn là đơn giao hàng trong mùa dịch rất nhiều, giúp tôi thu nhập được từ 400.000 – 500.000 đồng mỗi ngày. Từ đó, tôi trích ra khoảng hơn 200.000 đồng/ngày để mua cơm và nước đem tặng”, anh Vũ nói.
Không chỉ phát tặng cơm, nước, anh Vũ còn hỗ trợ tiền cho người nghèo. Bên cạnh đó anh còn vận động bạn bè, người thân ủng hộ nhu yếu phẩm, rau củ, gạo… để anh đem trao tặng bà con.
Đều đặn từ 8 giờ sáng, anh bắt đầu hành trình làm việc của mình. Khoảng 12 giờ thì chạy đi mua cơm đem phát. Phát xong, anh đi giao hàng đến tối mịt mới về nhà.
Mỗi ngày như vậy, anh phát hơn 20 phần cơm, kèm thêm chai nước và 100.000 đồng. Sau khi biết được việc làm thiện nguyện của anh, một tiệm cơm đã đồng ý trợ giá cho anh chỉ 10.000 đồng/phần. Do đó, những ngày kế tiếp, anh sẽ tăng số phần cơm đem tặng lên 40 – 50 phần.
Vốn là một shipper, nên anh Vũ cũng không thuộc dạng khá giả gì, cũng chỉ là tầng lớp lao động bình thường như bao người, cũng phải vất vả nắng mưa để kiếm cơm cho mình. Nhưng anh vẫn hào sảng cho đi, vẫn tốt bụng giúp đỡ người nghèo.
Thời gian này, bao nhiêu người lo trữ ăn, trữ uống, trữ tiền bạc để dành đau ốm, phòng trường hợp chẳng may phải đi bệnh viện… thì anh Vũ ngược lại “tiêu tiền như nước”.
Thế nhưng chẳng ai dám trách, thậm chí cảm ơn anh còn không hết, bởi anh quên đi lợi ích cá nhân mình, mà dành sự quan tâm cho những mảnh đời khó khăn hơn.
Đặt anh trên bàn cân với những thanh niên trẻ hiện nay, chỉ biết ăn chơi đàn đúm, chọn những thú vui thiếu lành mạnh, thì niềm vui của anh Vũ là được nhìn thấy những nụ cười xung quanh. Cách sống đơn giản, suy nghĩ chan chứa tình người, bao giờ cũng góp phần làm cho xã hội đẹp tươi.
Có ai đó đã từng nói một câu rất hay như thế này, người nghèo làm từ thiện luôn ngập tràn sự ấm áp, bởi họ đã từng sống trong cái khổ, cái đói hoặc thậm chí là rơi vào cảnh cùng quẫn của cuộc đời, nên khi họ dang đôi tay ‘nâng lấy’ người khác, bao giờ cũng thật lòng và ấm áp.
Thế nên, đừng bao giờ nghĩ việc giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn là ‘nhiệm vụ’ của những triệu phú đi xe hơi, ở nhà lầu, hay của những cô ca sĩ, diễn viên, người mẫu… chân dài tới nách. Việc thiện là tùy ở tấm lòng, ai có nhiều cho nhiều, ai có ít cho ít, miễn là chân thành thì đều đáng quý như nhau.
Tại đây, chỉ mong lắm những người tốt như anh Vũ sẽ gặp nhiều may mắn, nhất là giữa mùa đại dịch, biết yêu thương và san sẻ cho nhau, thì đất nước sẽ sớm bình ổn. Xin chúng ta, cũng hãy học tập anh, để thấy cuộc sống này muôn phần dễ thương và ý nghĩa.