Hơn 9h sáng 20/7, trái ngược với cảnh người dân xếp hàng dài chờ 1-2 tiếng nhiều ngày trước đó, tại Bách Hóa Xanh trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ghi nhận lượng người mua sắm giảm hẳn, không còn phải xếp hàng chờ.
Lượng thực phẩm tươi sống đầy ắp trên các kệ hàng. Khách mua có thể lựa chọn đa dạng mà không phải chen lấn.
“Mấy ngày nay lượng khách mua giảm hẳn, do nhiều người đã đi mua hàng tích trữ trước đó. Hai ngày nay cửa hàng còn mở cửa 24/24 phục vụ bà con mua sắm”, một nhân viên siêu thị cho biết.
Thực tế, hiện nay nhu cầu mua sắm hàng thực phẩm, rau củ quả tươi của người dân vẫn ở mức cao, tuy nhiên, nhiều kênh bán thực phẩm mới đã triển khai hoạt động, chợ dần mở cửa trở lại giúp hạ nhiệt lượng người đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm.
Chỉ còn khan hiếm trứng
Ngày 20/7, ghi nhận tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM tình trạng người xếp hàng dài mua sắm không còn, các mặt hàng tươi, sống như thịt, cá, rau củ… đầy kệ. Tuy nhiên, trứng vẫn là mặt hàng khan hiếm ở các siêu thị.
Nhân viên các siêu thị đều cho biết khách mua 2-3 ngày nay giảm hẳn, lượng hàng hóa được cập nhật liên tục, giá ổn định.
Cụ thể, tại siêu thị Bách Hóa Xanh, cải ngọt, cải thìa có giá 30.000 đồng/kg, rau muống nước 16.000 đồng/kg, bắp cải trắng 28.000 đồng/kg, chanh 30.000 đồng/kg, cà rốt 33.000 đồng/kg, hành lá 45.000 đồng/kg…
Khoảng 9h, tại một số cửa hàng Satrafood (quận Bình Thạnh), chỉ có 2-3 người xếp hàng chờ, thực phẩm đầy các quầy kệ. “Mấy hôm nay khách giảm hẳn. Trong khi lượng thực phẩm về cũng nhiều hơn”, một nhân viên cửa hàng cho hay.
Tương tự, MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) cũng ghi nhận lượng hàng hóa dồi dào, khách tới mua không phải đợi lâu. Nhân viên vẫn yêu cầu khách vào theo từng lượt nhưng tại đây khá vắng. Người mua chỉ cần khai báo y tế là có thể vào mua sắm.
Thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy trên kệ hàng. Khu vực thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản tập trung nhiều người mua nhất.
Bốn ngày chưa đi mua thực phẩm, chị Ngân (quận Bình Thạnh) khá bất ngờ khi cửa hàng Satrafoods gần nhà không còn phải xếp hàng. “Lúc tôi đến chỉ có một người đứng chờ ở cửa, hàng hóa dồi dào hơn, nhất là rau xanh, do đó người mua cũng có nhiều lựa chọn”, chị nói.
Ngày 19/7, đại diện cửa hàng Bách Hóa Xanh cho biết đơn vị này đang khẩn trương thành lập 35 điểm bán hàng 24/24 tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.
“Hiện đơn vị đã chủ động cung ứng cho các điểm bán này với số lượng tăng lên 200-300%, đồng thời nỗ lực chuyên chở đưa hàng về liên tục trong ngày, đảm bảo luôn có hàng hóa cho bà con lựa chọn” đại diện siêu thị cho biết.
Giá rau, củ tại chợ hạ nhiệt
Sau một thời gian giá rau củ tăng vọt gấp 3-4 lần so với trước. Trong sáng 20/7, khảo sát tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM giá rau, củ đã hạ nhiệt về mức ngang giá với siêu thị.
Cụ thể, rau cải ngọt giá 30.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg, dưa leo, mướp 30.000 đồng/kg, chanh 20.000 đồng/kg, sả 20.000 đồng/kg, gừng 100.000 đồng/kg…
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chỉ có một số gian hàng rau, củ và trái cây trong nhà lồng được mở bán. Người dân ra vào đều yêu cầu khai báo y tế và phát thẻ ra vào chợ.
Một tiểu thương bán rau, củ ở chợ cho biết mấy ngày nay giá rau củ giảm hơn trước. “Một bó rau muống hơn 1 kg giá chỉ 28.000 đồng trong khi trước đó lên tới 35.000-40.000 đồng”, chị nói và cho biết nguồn nhập hàng vẫn khó và chỉ lấy được số lượng ít về bán.
Nhìn chung, giá cả hàng hoá tại các chợ đang về mức ổn định, riêng mặt hàng trứng gia cầm theo các tiểu thương do đang khan hàng nên giá bán khá cao. Tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), giá trứng gà ta tại chợ vẫn ở mức 40.000 đồng/chục và 50.000 đồng/chục với trứng vịt.
Vừa mua 2 kg rau cải ngọt và một số loại rau, củ khác tại chợ, chị Nguyên cho biết chị thích đi chợ hơn vì thực phẩm tươi. “Mặc dù thời điểm này giá cả đều tương đương nhau nhưng tại chợ, rau xanh lúc nào cũng tươi hơn ở siêu thị”, chị nói và cho biết chỉ vào siêu thị mua thịt vì chợ chưa có bán.
Tại cuộc họp báo về tình hình Covid-19 chiều 19/7, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết tình hình mua sắm của người dân thành phố những ngày qua giảm rõ rệt.
Đặc biệt tại các điểm mua tại chợ truyền thống, Sở Công Thương ghi nhận lượng hàng hóa lẫn số lượng người mua đều giảm. Các chuyến hàng lưu động có trường hợp dư thừa, tồn và phải mang về.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đều bị ảnh hưởng do giãn cách, ông Phương cho biết Sở Công Thương đang rà soát lại nguồn cung ứng và có báo cáo khó khăn cũng như khả năng ảnh hưởng tác động nguồn thu.
Sở Công Thương TP.HCM đã liên hệ Sở Công Thương các tỉnh, thành nhờ hỗ trợ, tìm nhà cung ứng có khả năng kết nối và đáp ứng nguồn hàng hóa cho thành phố.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Zingnews