Dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM bị phong toả. Điều này khiến nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng. Bên cạnh những đóng góp của người dân ở các tỉnh thành khác trên cả nước, thì việc cung ứng hàng hoá từ các chuỗi siêu thị cũng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.
Nhất là khi phương án chống dịch là đóng cửa chợ truyền thống đã được triển khai, Bách Hoá Xanh trở nên đông khách hơn khi được liệt vào cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Thế nhưng, việc nhu cầu tăng mạnh cộng với nguồn hàng vận chuyển khó khăn khi vấp phải những ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến giá cả một số mặt hàng tại Bách Hoá Xanh tăng thêm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều người dân phản ảnh, giá cả tăng có phần khá cao so với mức cần thiết. Cụ thể, một cửa hàng Bách Hoá Xanh đã bị lập biên bản khi bán giá cao hơn giá niêm yết ở một số mặt hàng. Đồng thời, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, video của người dân liên tục tố Bách Hoá Xanh bán giá cao, tính thiếu.
Thậm chí, nhiều người đã vào tận fanpage chính chủ của Bách Hoá Xanh để bình luận tấn công “thương hiệu quốc dân” này.
Trước vấn đề này, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Phía công ty khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân.
Các lý do được đơn vị này đưa ra như, thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỉ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.
Chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.
Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng, nhân viên kho và hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau.
Ngoài ra, đơn vị này phải chi trả chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.
Một yếu tố khác được đơn vị này đưa ra là hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông…
Bách Hóa Xanh đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với 1 số mặt hàng ở một số cửa hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2 – 3 lần của 1 số người.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: nếu xác định được việc tăng giá quá mức, tăng giá bất hợp lý và tăng giá lợi dụng điều kiện dịch bệnh thì đây là những điều vi phạm, cơ quan quản lý sẽ có xử lý.
Những mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá hoặc phải đăng ký giá và công bố giá thì hệ thống phải niêm yết và bán đúng giá. Giá cao hay thấp sẽ có cơ quan chức năng đánh giá và cơ cấu giá, các thành tố liên quan để xác định giá thành bao nhiêu và giá bán ra hợp lý hay không.
Theo ông Đạt, qua trao đổi, phía Bách Hoá Xanh cho biết không có việc tăng giá đột biến mà đây vì điều kiện khách quan đầu vào. “Muốn đánh giá được, chúng tôi cùng các cơ quan chức năng thu thập các thông tin và đánh giá để có câu trả lời chính xác, nếu vi phạm sẽ có xử lý” – ông Đạt nói.
Quản lý thị trường TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra trong những ngày tiếp theo và mong người dân liên lạc đường dây nóng 028.39322491 nếu gặp tình trạng nâng giá, hoặc gom hàng siêu thị đem ra ngoái bán thu lời đến cơ quan quản lý thị trường