Trong ngày lễ 2-9, lực lượng mua hộ ở các phường, quận vẫn căng mình xử lý đơn hàng từ người dân. Nhiều cán bộ phải làm việc từ sáng đến tối để giao hàng cho dân nhưng không xuể.
Ở các siêu thị cho biết từ khi mở lại kênh online, số đơn hàng luôn trong tình trạng quá tải, buộc họ mỗi ngày chỉ mở vài giờ mới kịp xử lý giao hàng cho người dân.
Chị Linh (quận Bình Tân) cho biết trong sáng 2-9 bất ngờ nhận được điện thoại từ siêu thị, thông báo sẽ hỗ trợ đặt thêm các món mới trước khi giao hàng. Theo nhân viên siêu thị, đơn hàng của chị là từ phường chuyển lên và đang được soạn để giao trong ngày.
Chị Linh chia sẻ “Hơn 10 ngày trước, tôi có đăng ký mua hộ qua phường nhưng đến nay mới tới lượt. Các phường vẫn đang quá tải và giải quyết đơn hàng của người dân đặt từ tuần trước” .
Bà Cao Thị Hiền – chủ tịch Hội Phụ nữ phường 11, quận Bình Thạnh – cho biết mỗi ngày phường nhận hơn 1.000 đơn đặt hàng của người dân, tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Nhưng phường chỉ kịp giao khoảng 600 đơn, còn lại xin nợ sang hôm sau.
Bà Hiền thông tin “Việc mua hàng gặp khó do phường chỉ có 15 người phụ trách đi chợ giúp dân, trong khi đơn nợ dồn nhiều, chưa kể nhiều điểm bán không thể cung cấp kịp nên việc giao hàng cũng rất vất vả”.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa – phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận – cũng thừa nhận dù giới hạn mỗi gia đình chỉ được đăng ký mua một lần/tuần nhưng nhu cầu đặt đơn hàng mua chung qua chính quyền vẫn ở mức cao với trung bình 2.000 – 3.000 đơn/ngày, chiếm khoảng 90% nhu cầu của người dân trên toàn quận, số lượng mua lẻ online khiêm tốn.
Với bối cảnh sức mua tăng cao và kéo dài trong nhiều ngày, nhân lực đi chợ hộ bị quá tải, nhiều người đuối sức. Có tình trạng cán bộ phải làm việc từ sáng đến tối để giao hàng cho dân mà vẫn không xuể.
Để hỗ trợ mua hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân nhanh hơn, Sở Công thương TP.HCM đề nghị các địa phương triển khai đi chợ hộ qua app nhưng đến nay chỉ có TP Thủ Đức ứng dụng.