Bao nhiêu năm rời quê Bình Định vào làm công nhân tại TP.HCM, dành dụm được vài đồng, nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thư (33 tuổi, ở trọ Q.Gò Vấp) và anh Nguyễn Văn Năm (36 tuổi) sử dụng để chữa bệnh cho con gái.
Không may trúng đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị Thư phải nghỉ việc, còn anh Năm làm thợ quảng cáo “bữa đực bữa cái” khiến cuộc sống rơi vào bế tắc.
Cuộc sống khó khăn ở Sài Gòn
Con đường dẫn vào khu nhà trọ của vợ chồng chị Thư dây giăng phong tỏa khắp nơi, trong con hẻm cụt, bé Nguyễn Hoàng Yến (6 tuổi, con gái chị Thư) ngồi nhìn mấy đứa trẻ bịt khẩu trang chạy nhảy nô đùa. Đôi mắt cô bé buồn bã, mái tóc ngắn cũn chưa che hết các vết s.ẹo trên đầu.
Đi vào căn phòng trọ chỉ chừng 15 mét vuông, nhìn lướt qua thấy vài bao gạo cứu trợ đang nằm gọn một bên. Một tháng qua, cả nhà chị Thư sống nhờ vào đồ cứu trợ của người dân TP.HCM.
Tháng 3 năm ngoái bé Yến được phát hiện có bệnh. Vợ chồng anh chị đã phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định phẩu thuật cho con, bởi có thể đánh đổi bằng tí.nh mạ.ng của bé. Cuối cùng, sau khi m.ổ bé Yến phải nằm viện gần cả năm để điều trị.
Bệnh của bé Yến không phải ngày một ngày hai mà khỏi, nhìn chồng một mình gánh các khoản nợ, viện phí, thuốc men, công việc thì không ổn định, chị Thư có ý đinh xin đi làm giúp việc nhà theo giờ để có đồng ra đồng vô. Nhưng người tính không bằng trời tính, bệnh của con ngày một nặng.
Dốc hết công sức, tiền của thậm chí vay nợ để điều trị cho con. Nhưng qua một lần xạ trị, vợ chồng anh Năm nhận được tin u đã mọc rải rác, di căn xuống cột sống không thể tiếp tục điều trị.
Đến đây, gia đình anh rơi vào bế tắc cùng nhiều áp lực. Anh Năm thì không còn cha mẹ, không có ai để nhờ vả.Gia đình chị Thư cũng đã cắm sổ đỏ vay tiền trị bệnh cho cháu. Dịch bệnh thì cứ tái bùng phát khiến công việc của anh Năm cũng thất thường. Số tiền vay nợ đã lên tới con số hơn trăm triệu.
Nhìn con ngồi chơi, anh Năm thở dài: “Chuyện ăn của mình thì không màng, mình nhịn đói cũng được, nhưng tiền thuốc cho con thì có đói vẫn phải mua. Con như sự sống của mình vậy.
Đêm nào hai vợ chồng cũng nhìn con ngủ, rồi vắt tay lên trán trằn trọc, nay con còn mấy viên thuốc, uống được bao nhiêu ngày nữa, mai gọi ai mượn tiền. Suy nghĩ mãi mệt quá mới thiếp đi. Giá như không có Covid lúc này, ở TP.HCM chịu khó cày cuốc cũng đủ tiền thuốc cho con ”.
Những nối lo cứ luẩn quẩn
Cả gia đình nhỏ sống trong căn phòng nhỏ, chỉ có một chiếc quạt gắn trên tường kêu ọt ẹt. Đôi vợ chồng nhìn bé Yến và em gái 4 tuổi ngồi chơi trò bác sĩ khám bệnh, chốc lại quay đi lén lau nước mắt, thỉnh thoảng con kêu mệt thì xoa bóp.
Chăm bé Yến bệnh nên anh chị phải gửi bé nhỏ về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Lần này, bé nhỏ được đưa vào TP.HCM thăm chị nhưng vì dịch Covid-19 nên đành phải ở lại đây. “Cũng muốn cho chị em gần nhau, nhưng bệnh của bé lớn thất thường lắm.
Con bệnh làm cha mẹ ai không đau lòng. Những giấc ngủ của chị Thư cũng chập chờn từ khi con phát bệnh. Nhiều khi con mệt nằm yên không trở mình khiến chị thót tim vì sợ.
“Sáng nào ngủ dậy nghe con còn gọi mẹ là còn thấy mừng. Vừa lo cho con vừa lo tiền bạc, chưa bao giờ thấy mình cùng đường như vậy. Chồng nói để anh ráng lo, nhưng dịch suốt, có muốn lo cũng không được ”, chị chia sẻ.
Vừa qua, Gò Vấp bị phong tỏa rồi giãn cách toàn TP, công việc quản cáo của anh Năm may lắm mới được gọi đi làm. Có được đồng nào, anh chị lại dành dụm mua thuốc cho con, số còn lại mới lo nhà trọ, ăn uống. Vậy mà mấy tháng ròng, chẳng khi nào đủ được tiền nhà trọ.
Tới bữa cho con uống thuốc, vợ chồng lại ngồi đếm xem thuốc còn bao nhiêu ngày. Dịch này, bạn bè, người thân ai cũng gặp khó, ai có thể vay mượn anh chị cũng đều mượn cả rồi. Anh Năm tâm sự: “Ngày bác sĩ kê 1,5 viên thì đành cho con giảm bớt xuống 1 viên, xoay được tiền mua thuốc tiếp thì uống lại như đơn cũ.
Bữa cơm của gia đình chị Thư chỉ vỏn vẹn có rau, củ, hôm nào được hàng xóm cho chút thịt, cá hay trứng chiên lại để phần cho con. Làm việc quần quật gần chục năm trời nay đổ hết vô thuốc men, chữa bệnh cho con, anh chị chỉ có thêm một số nợ khổng lồ – con số mà không biết bao nhiêu tháng lương công nhân mới trả hết.
Theo đúng tuổi, hết hè này bé Yến sẽ bước vào lớp 1, nhưng có lẽ chuyện học hành đành phải gác lại vì bệnh tình mỗi ngày một nặng, bé không thể tự chủ được vệ sinh cá nhân.
Nghe ba mẹ nhắc đến mình, bé Yến hồn nhiên nói: “Tháng sau là sinh nhật con, con không ước gì hết, chỉ mong hết bệnh, bắt được con sâu trong đầu ra cho nó khỏi hành con nữa. Con nói con chia tay nó để ở với ba mẹ mà nó không chịu. Mà mẹ ơi con mấy tuổi rồi, con không nhớ được, con tức con quá ”.
Thắt lòng nghe những lời con nói, chị Thư lại kéo vạt áo lên quẹt vội hai hàng nước mắt: “Chưa bao giờ tôi bế tắc như vậy, những nỗi lo cứ chất chồng lên trong những suy nghĩ. Tôi đã làm hết khả năng nhưng tự trách chính mình vẫn không thể lo cho con để bệnh đơn giản chuyển biến đến không thể chữa được ”.
“Kẹt” giữa những nỗi lo về bệnh tình của con, về tiền thuốc men, tiền nhà trọ, tiền ăn uống, những khoản nợ,… vợ chồng chị Thư cũng không biết phải thoát ra bằng cách nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (52 tuổi, chủ nhà trọ), thấy hoàn cảnh của chị Thư đáng thương, nhiều lần chị Thư ôm con đi nhập viện, hàng xóm lại gom góp người vài trăm để phụ giúp.
Mùa dịch càng thêm khó khăn cho gia đình chị Thư nên bà Mai miễn luôn mấy tháng tiền nhà trọ. Có món gì ngon bà cũng nấu dư ra một ít mang sang để vợ chồng chị ăn dằn bụng.
Nhà vợ anh Năm cũng không khá giả gì mấy, có sổ đỏ là tài sản quý giá nhất cũng mang đi cắm gửi tiền lo viện phí cho cháu ngoại. Mẹ chị Thư – bà Đào Thị Tuyết (57 tuổi) vừa mổ cột sống nên không thể làm gì phụ được con cháu.
Nguồn tham khảo: thanhnien.vn