“Kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch. Những nền kinh tế lớn là các thị trường chính của Việt Nam từng bước phục hồi là cơ hội rất lớn cho chúng ta thực hiện mục tiêu kép ”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) chia sẻ.
Cũng theo ông Ngân, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng lộ trình để có thể “sống chung với đại dịch” như một số quốc gia.
Chuẩn bị lộ trình “sống chung với dịch”
Lần này do chủng của virus Delta – Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh trong không khí càng làm cho diễn biến của dịch Covid-19 càng phức tạp.
Thực tế hiện nay dịch đã có và lây trong cộng đồng, vì vậy mục tiêu đặt ra trước đây là triệt tiêu hoàn toàn đã không thể thực hiện được.
Mặc dù chúng ta đã cố gắng đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine cho người dân thì khả năng diệt được hoàn toàn Covid-19 cũng không khả thi, bởi những biến chủng của nó vẫn còn.
Từ đó chúng ta phải xác định “sống chung với dịch” từ bây giờ. Nhưng cần phải vạch ra một lộ trình cho việc này. Vì đối với 100 triệu dân nhưng hạ tầng, trang thiết bị, vật tư y tế và con người hiện nay chưa đủ điều kiện để Việt Nam sống chung với Covid-19.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Đầu tiên, vẫn phải tiếp tục truy vết F0, khoanh vùng, dập dịch và cách ly. Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp như hiện nay cần tăng cường cách ly tại nhà, nhưng vẫn phải nghiêm túc chấp hành những biện pháp phòng, chống dịch, nhằm hạn chế người trong khu cách ly tập trung để giảm lây nhiễm chéo.
Điều cần làm bây giờ là đầu tư cho y tế để đảm bảo năng lực điều trị cũng như dự phòng, nhanh chóng nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Nếu làm được những điều này thì dự kiến đến hết quý I/2022, Việt Nam mới có đủ điều kiện sống chung với dịch.
Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải đồng thời tính đến các giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Giải pháp ngắn hạn lúc này là tiếp tục truy vết F0, khoanh vùng, điều trị và cách ly. Đồng thời nhập khẩu, sản xuất vaccine để thực hiện công tác tiêm chủng cho người dân.
Sau đó là những giải pháp cần để đầu tư cho y tế. Song cũng không quên có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Chiến lược đẩy lùi Covid-19 phải được triển khai một cách mạnh mẽ và nhanh chóng mặc dù có thể nghiêm khắc nhất, đau đớn nhất để sớm gõ bỏ giãn cách, đưa người dân trở về cuộc sống bình thường.
Các doanh nghiệp đang được hỗ trợ bằng cách tiêm vaccine cho người lao động. Không những thế cần phải hỗ trợ cả về mặt tài chính như miễn, giảm thuế, giãn thời gian trả nợ, giảm tiền thuê mặt bằng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT…
Trong số các lĩnh vực được hỗ trợ cần đặc biệt quan tâm đến dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, hàng không. Họ bị nặng nhất qua 4 đợt dịch vừa rồi nên cần hỗ trợ tối đa.
Tiến hành các thủ tục hành chính đơn giản nhất, dễ triển khai nhất nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm và những người lao động khó khăn vì đợt dịch này.
Tất cả điều đó phải cố gắng làm vì cơ hội của chúng ta còn rất lớn do kinh tế thế giới đã phục hồi.
Sau khi trải qua 4 đợt dịch dài đằng đẵng này, người dân Việt Nam không phải sợ Covid-19 nữa mà là sợ đói. Khi triển khai Chỉ thị 15 hay 16 của Thủ tướng, còn rất nhiều người thậm chí ra khỏi khu cách ly để đi làm ăn.
Có những người phải mua xe trả góp, mua nhà trả góp, thuê cửa hàng trả góp, hay đơn giản phải kiếm ăn từng ngày… Cuộc sống đã quá khó khăn nay dịch bệnh còn hoành hành khiến họ quá mệt mõi, nên bên cạnh việc chống dịch, phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời.
Những thủ tục hành chính quá rườm rà khiến chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống chậm lại. Chính vì vậy, những chính sách của Nhà nước cũng cần có sự thay đổi.
Một số địa phương đang thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch cứng nhắc nhưng điều này là thật sự cần thiết bởi biến chủng virus lần này lây lan rất nhanh.
Tại TP.HCM ngay khi áp dụng Chỉ thị 15 và 16 nhưng vẫn xuất hiện nhiều ca mắc liên tục mỗi ngày do việc thực thi chưa nghiêm, chưa “đủ liều”. Đây là một bài học cho thấy giãn cách vẫn là biện pháp hữu hiệu với những nơi chưa được tiêm vaccine.
Cần sớm có vaccine dịch vụ
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Chính phủ cần quyết định nhanh và táo bạo hơn trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 “. Chủng virus Delta lây lan rất nhanh nên việc triển khai chiến dịch tiêm chủng phải nhanh hơn. Do đó cần dồn tổng lực trong vấn đề mua, sản xuất vaccine và điều trị bệnh.
Do lượng người cần tiêm chủng quá lớn nên bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vaccine miễn phí cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, Chính phủ nên cho mở tiêm chủng vaccine dịch vụ sớm.
Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm nguồn vaccine hợp pháp bằng cách huy động được nguồn lực và sự sáng tạo, năng động của mình. Khi Việt Nam có được nhiều nguồn vaccine, nhiều người dân sẽ được tiêm nhanh hơn.
Khi đó vaccine sẽ có 2 nguồn cung, một là Nhà nước sẽ tiêm miễn phí cho người dân, người lao động, người nghèo. Còn nguồn doanh nghiệp thì tiêm dịch vụ và có phần hỗ trợ Nhà nước để tiêm cho dân, người lao động.
Mặt khác, chúng ta cũng cần hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước.
Việc học tập các nước châu Âu hay Singapore sống chung với dịch là cần thiết nhưng cần phải chọn lọc ứng dụng các bài học một cách có điều kiện bởi vì như Singapore chỉ có hơn 5,8 triệu dân, còn chúng ta có 100 triệu dân.
Điều đó có nghĩa chúng ta cần tập trung chiến lược vaccine và đầu tư cho y tế nhiều hơn nữa. Qua 4 đợt dịch, chất lượng y tế bị ảnh hưởng và đang bị bào mòn từng ngày, thu nhập của người làm y tế không tương thích, trang thiết bị thiếu lên thiếu xuống nên cần có sự đầu tư nghiêm túc nhất cho lĩnh vực này.
Dập dịch sớm sẽ giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh
Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra không còn quan trọng trong giai đoạn này. Điều cần quan tâm hơn cả là kiểm soát dịch bệnh, sản xuất, nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 và tiêm cho người dân an toàn
Khi dịch bệnh được kiểm soát một cách hiệu quả thì cơ hội vươn lên, phấn đấu là tốt nhất. Như TP.HCM bị ảnh hưởng rất nặng nề trong năm 2020, tăng trưởng chỉ đạt 1,39%, nhưng đến đầu năm nay khi dịch được kiểm soát, tăng trưởng đạt 4,58%, 6 tháng đầu năm thu ngân sách đã đạt trên 56% dự toán. Nghĩa là tốc độ phục hồi rất nhanh, song khi có dịch lại bị ảnh hưởng nặng nề.
Do đo, kinh tế có sớm phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại hay không phụ thuộc vào việc tập trung tấn công dịch, khoanh vùng dập dịch.
Mục tiêu xa hơn là lập được trạng thái bình thường mới trong năm 2022, chúng ta có thể xác định được chặng đường phát triển trong bối cảnh có dịch Covid-19 cũng như các loại dịch khác.
Mục tiêu kinh tế có thể không đạt được, nhưng mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, ta sẽ đạt được nếu ta kiểm soát được dịch Covid-19.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: zingnews.vn