Bao nhiêu năm tháng qua Sài Gòn vẫn luôn dang rộng vòng tay để ôm ấp biết bao người từ các tỉnh lẻ đến, giúp họ có cơ hội tìm việc làm, lo cho gia đình, lo cho chồng cho vợ, cho con cái học hành.
Nhưng giờ đây, Sài Gòn “ốm” vì Covid-19, các tỉnh hãy chung tay hỗ trợ người dân trở về quê để san sẻ bớt gánh nặng.
Ông Tùng – công nhân xây dựng và bà Xuân – người giúp việc đều là những người lao động lớn tuổi, quê ở H.Núi Thành (Quảng Nam) là 2 trong số những người được tỉnh Quảng Nam đón về đợt 1.
Sau 24 năm xa quê lập nghiệp nay phải tạm biệt Sài Gòn rồi
Ông Nguyễn Thanh Tùng (75 tuổi, thuê trọ ở Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, đã rời quê Quảng Nam vào TP.HCM làm công việc thợ xây ngót nghét khoảng 24 năm.
Thời điểm đó ở quê khổ quá, không có đủ khả năng lo cho vợ con nên đánh liều bắt xe vào Sài Gòn mưu sinh, dù không đành lòng xa vợ, con và cháu. Gia đình thì không có ruộng vườn nên xưa nay chỉ biết đi làm thuê làm mướn, không kể còn trẻ hay đã già.
Những ngày thành phố chưa bùng dịch, vào tuần cao điểm ông Tùng đi công trình 5 ngày, với mức lương 370.000 đồng/ngày. Với số tiền đó, ông trang trải trả tiền trọ, ăn uống rồi gửi về nhà, còn dư chút đỉnh thì dành dụm phòng khi trái gió trở trời.
Đến khi dịch phức tạp hơn, mọi thứ trở nên khó khăn, người công nhân thâm niên này trở thành một trong số rất nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời.
Ông Tùng vẫn đợi chờ đến ngày dịch được kiểm soát rồi đi làm trở lại như những đợt dịch trước. Thế nhưng, quanh quẩn cũng đã 3 tháng trời không có thu nhập, khiến ông gặp ít nhiều khó khăn. “Còn mấy đồng trong túi đây, bữa giờ chi tiêu rất tằn tiện vì không biết tình hình này kéo dài tới khi nào ”, ông tâm sự.
Con rể của ông là anh Phạm Hồng Min (35 tuổi, ngụ H.Núi Thành, Quảng Nam) chia sẻ: “Ngày nào gia đình cũng gọi điện hỏi thăm, nghe bố bảo mua mấy thùng mì từ đầu dịch để dành ăn qua ngày xót xa lắm. Mới đây, tôi thấy thông báo đón người dân đang ở TP.HCM về quê nên cả nhà bàn bạc rồi đăng ký một vé cho bố ”.
Hơn 20 năm qua, mỗi năm ông Tùng sẽ sắp xếp về quê 2 lần để thăm nhà rồi đón xe trở lại Sài Gòn. Cuối cùng, sau ngần ấy năm khăn gói vào nam kiếm sống, lần này sẽ đặc biệt hơn vì có thể ông sẽ không quay lại nữa.
“Nếu không có dịch thì vẫn ở lại làm tiếp, tôi còn khỏe mà. Nhưng với tình hình này, con cái nó thương nó gọi bảo bố ở trong đó không có việc làm, đi lại khó khăn, rồi đau ốm biết xoay xở thế nào nên về thôi.
Sắp tới được đón về quê đương nhiên là vui rồi, chắc tôi không quay lại vì đâu còn trẻ, có điều sẽ lưu luyến nơi này lắm đây… ”, ông bộc bạch.
Mất việc trong thời điểm này là điều không còn quá xa lạ
Gia đình nhỏ của bà Đặng Thị Xuân (49 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM đang “kẹt cứng” trong nỗi lo cơm áo gạo tiền vì bà là lao động chính trong gia đình, nhưng vì dịch Covid-19 mà mất việc.
Nay nhận được thông tin người dân tỉnh Quảng Nam đang ở TP.HCM gặp khó khăn vì Covid-19 được hỗ trợ trở về quê nhà, bà vô cùng vui mừng.
Năm 1028, bà Xuân vào TP.HCM làm công việc giúp việc cho một người đồng hương. Sang hai năm sau, chị Tuyết Mỹ (con gái bà Xuân) cũng dắt díu theo đứa con từ quê vô, 3 người thuê một căn nhà trọ nhỏ sống chung để bớt phần nào chi phí. Mong muốn con gái chuyên tâm học hành, bà cân đối thời gian rồi đảm nhận thêm việc trông nom cháu ngoại.
Người phụ nữ đứng tuổi này làm các công việc như xếp quần áo, nấu nướng, trông coi nhà cửa. Với số tiền lương ít ỏi 5 triệu đồng/tháng không đủ trang trải trong gia đình, nay còn thêm cảnh thành phố liên tục thực hiện các đợt giãn cách xã hội, khiến mọi thứ đều ngưng trệ.
“Tiền thuê nhà 2,5 triệu đồng/tháng, tiền sữa bỉm cho cháu, rồi chi phí ăn uống của hai mẹ con, nói chung không khi nào đủ ”, bà thành thật nói.
Những lần trước còn có hy vọng, đến làn sóng Covid-19 thứ 4 này lại “cuốn bay” công việc của trụ cột gia đình. Vậy là suốt 2 tháng qua, mẹ con bà Xuân chỉ có thể quẩn quanh trong căn phòng trọ nhỏ, “tiền vô” không có mà “tiền ra” vẫn cứ đều đều.
Bà bộc bạch: “Cháu ngoại mới 18 tháng tuổi nên ban đầu chúng tôi lưỡng lự chưa biết nên về hay không. Cuối cùng quyết định ở rồi lây lất tới giờ, ngày nào cũng mì tôm là chủ yếu, hôm nào thèm cơm quá mới nấu, cứ ăn nhín vậy đó. Chủ chỗ làm thấy vậy mới cho thêm đồ ăn thức uống, sữa cho em bé nên cũng đỡ phần nào ”.
Lần này trở về quê, tuy ở nhà không có đất đai để làm nông nhưng còn hơn ở thành phố thời điểm này, không làm ra tiền mà chi phí thì vẫn phải trả, khiến gánh nặng tài chính ngày càng nặng hơn. Khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, mẹ con bà Xuân vẫn mong có thể trở lại Sài Gòn để làm việc, sinh sống.
Chị Tuyết Mỹ cho biết, sau giờ học, chị đến nơi mẹ làm việc để làm thêm, đỡ đần chi phí sinh hoạt. “Tôi đăng ký 3 vé về quê nhưng nay chỉ có tên của mẹ trong danh sách, có lẽ tôi và mẹ sẽ bàn tính lại. Bởi từ hồi nào tới giờ chỉ có 2 mẹ con nương tựa lẫn nhau ”, con gái của bà Xuân chia sẻ.
Nguồn tham khảo: Thanh Niên