Dịch bệnh kéo dài, có công bằng khi thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt ?
Minh Quang Sinh Viên Plus - Cộng Đồng Sinh Viên Việt Nam Minh Quang Sinh Viên Plus - Cộng Đồng Sinh Viên Việt Nam
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9-7. Thời điểm này, công tác tổ chức thi cũng đang ráo riết chuẩn bị.
Một đợt hay nhiều đợt ?
Tại Hà Nội, nhiều học sinh tại cảm thấy áp lực, mệt mỏi nên mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được tổ chức đúng lịch, không lùi thời gian như năm trước. Trong khi đó, thành phố với trên 4.200 phòng thi này đang đối diện với nguy cơ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Em Nguyễn Thùy Linh – học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) – chia sẻ: “Tôi và các bạn đều mong muốn kỳ thi diễn ra đúng lịch công bố. Vì nếu nhiều lần lùi sẽ khiến học sinh mệt mỏi. Hơn nữa tình hình năm nay không chắc chắn được khi nào dịch được kiểm soát nên sẽ bị động”.
Được biết Thùy Linh và một số học sinh khác có mục tiêu tìm học bổng du học, kể cả tình hình hiện nay đang phải tạm thời học trực tuyến. Vì thế, Linh cho rằng thi tốt nghiệp THPT sớm sẽ chủ động được kế hoạch học tập.
Bạn Nguyễn Minh Huy – học sinh lớp 12 trường TP Thủ Đức, TP.HCM – bày tỏ: “Biết là bất khả kháng nhưng tôi không mong muốn kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo nhiều đợt. Vì nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì không sao, nhưng nhiều học sinh – trong đó có tôi – đều muốn dùng kết quả kỳ thi này để dự tuyển vào ĐH.
Việc thi nhiều đợt mà đề thi đợt 2 dễ hơn đợt 1 là sự bất công đối với những thí sinh đã thi đợt 1. Thế nên, tôi mong muốn học sinh lớp 12 trên cả nước thi một đợt với đề thi như nhau”.
Tương tự, ông Trương Minh Đức – giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM – chia sẽ việc Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt mới nghe có vẻ rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
“Tuy nhiên, nếu xét lại thì thấy không ổn khi nhiều thí sinh dùng kết quả kỳ thi để ứng tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi chắc chắn mức độ khó, dễ của đề thi ở các đợt sẽ có độ chênh nhất định. Như vậy là không công bằng, khi thí sinh này làm đề dễ hơn được điểm cao và cùng ứng tuyển vào một trường ĐH với thí sinh kia làm đề khó hơn, điểm thấp hơn. – ông Trương Minh Đức nói.
Có nên để địa phương tổ chức thi và xét tốt nghiệp
Đây là năm thứ hai dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào thời điểm sắp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước tình hình đó, một số hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội cho rằng phương án tốt nhất tổ chức kỳ thi là để các địa phương tự tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT cho học sinh ở địa bàn của mình.
“Nên giao cho các tỉnh, thành chủ động tùy theo tình hình thực tế kết hợp xét với tổ chức thi tốt nghiệp THPT trực tiếp hoặc trực tuyến. Như vậy, kỳ thi của các địa phương chỉ nhằm mục đích xét để công nhận hoàn thành chương trình và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Còn việc tuyển sinh nên để các trường ĐH-CĐ chủ động.
TS Đặng Đức Hoàng – cố vấn chuyên môn Trường liên cấp Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM – đề xuất “Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi địa phương sẽ chủ động về ngày thi sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các trường trên địa bàn. Nếu Bộ GD-ĐT cảm thấy chưa yên tâm thì năm nay bộ có thể ra đề và gửi cho các địa phương”.
Rất phức tạp khi thí sinh cách ly thi riêng

“Thi nhiều đợt, trong đó những thí sinh trong diện đang phải cách ly tập trung sẽ thi đợt sau cũng là giải pháp Bộ GD-ĐT đã làm. Nhưng cá nhân tôi thấy thi nhiều đợt sẽ không đảm bảo công bằng nếu như kỳ thi vẫn sử dụng kết quả cho mục đích xét tuyển ĐH-CĐ” – ông Hà Xuân Nhâm cho biết.
Phương án thi một đợt nhưng tách thí sinh trong diện phải cách ly thi riêng cũng rất phức tạp vì sẽ phải có phương án đảm bảo di chuyển, tổ chức điểm thi với các biện pháp phòng dịch chặt chẽ. Lực lượng tham gia kỳ thi từ khâu in sao, bảo quản đề thi, bài thi đến các khâu coi thi, chấm thi của đối tượng thí sinh này đều phải tuân thủ biện pháp phòng chống dịch nên sẽ khó khăn
Một số ý kiến khác cho rằng nên lùi thời gian diễn ra kỳ thi và chỉ thi một đợt để đảm bảo công bằng khách quan nếu vẫn sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH. Theo một số cán bộ quản lý, giáo viên, giải pháp thi một đợt nhưng tách riêng đối tượng là F1, F2, F3 chỉ có thể thực hiện được khi có ít học sinh trong diện này.
Ông Vũ Văn Trà – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng – cho biết năm trước khi Bộ GD-ĐT quyết định có hai đợt thi, những thí sinh của Hải Phòng thi đợt 2 ít quá nên Hải Phòng đã gửi thí sinh sang tỉnh khác để dự thi. Năm nay, những địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể thi trong một đợt.
“Hiện tại rất khó nói nên theo cách nào. Vì mỗi địa phương có diễn biến cụ thể khác nhau và khó lường được tình hình dịch bệnh. Nên hiện tại địa phương chỉ có thể chuẩn bị nhiều phương án và quyết định tùy vào thực tế để chọn phương án khả thi hơn vào trước thời điểm ấn định kỳ thi” – ông Vũ Văn Trà chia sẻ.
Tại Bắc Ninh và Bắc Giang, hai điểm nóng nhất cả nước về dịch COVID-19, lãnh đạo hai sở GD-ĐT đều mong muốn Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi nhiều đợt và học sinh của các tỉnh này sẽ thi đợt 2. Hiện tại, số thí sinh dự thi của Bắc Ninh năm nay tăng trên 2.000 so với năm trước, dự kiến 27 điểm thi.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ
Theo dõi Sài Gòn Times để cập nhật tin nhanh và nổi bật tại TP. HCM bạn nhé