Có càng nhiều bạn ảo trên mạng xã hội, thì con người ta sẽ càng cô đơn hơn ngoài đời thực.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn khi có sự xuất hiện của mạng xã hội. Thế nhưng, thay vì gặp mặt trò chuyện như ngày xưa, thì ngày nay, con người ta thường phát ra âm thanh “cạch cạch” nhiều hơn.
Vì sao người ta lại thích nói chuyện thông qua nhắn tin hơn là gặp mặt trực tiếp ? Vì họ thích như vậy hay sao? Không đâu, theo các nhà tâm lý học thì đó là xu hướng che giấu cảm xúc của con người. Con người ngày càng sống không thật với cảm xúc của mình nhiều hơn, họ cảm thấy an toàn hơn khi ngồi đối diện máy tính thay vì đối diện với con người.
Do đó, khi lên mạng ảo, bạn sẽ tự tin hơn trong giao tiếp, điều này khiến bạn có nhiều người bạn hơn. Thế nhưng, khi trở lại cuộc sống thực tế thì khác, bạn sẽ không quen với việc trao đổi trực diện, điều đó khiến bạn lúng túng, rụt rè, mất tự tin với bản thân.
Càng nhiều bạn “ảo”, càng cô đơn
Nhiều người tự hào khoe với nhau rằng mình có cả trăm, nghìn người theo dõi trên mạng. Thế nhưng, làm thế nào để biết những người theo dõi ấy có bao nhiêu người sẽ quan tâm bạn? Có bao nhiêu người thực sự hiểu bạn muốn gì và ghét gì? Chúng ta càng có nhiều bạn bè trên mạng, vì chúng ta cảm thấy cô đơn giữa đời thực tại nên vô tình đã phụ thuộc vào cái gọi là thế giới ảo nhiều hơn.
Bây giờ, bạn thử hãy tưởng tượng cuối tháng này bạn sẽ tổ chức đám cưới cho mình. Bạn đang có nhu cầu lên danh sách những người mà bạn sẽ mời đến đám cưới của mình. Sau đó đếm xem mình đã liệt kê được bao nhiêu người rồi.
Theo một cuộc khảo sát mà Sinh Viên Plus từng làm, trung bình mỗi người chỉ viết ra được khoảng 300-400 danh sách mời là nhiều nhất. Thậm chí còn có người không vượt quá số lượng là 50 người nữa. Lấy kết quả đó so sánh với số bạn họ có trên MXH và kết quả thật bất ngờ. Có khoảng 70% số người có ít bạn bè trên mạng xã hội (dưới 500) thì lại viết ra danh sách bạn bè của mình nhiều hơn số người có nhiều bạn trên mạng xã hội. Có những người có đầy 5000 bạn trên mạng nhưng khi được yêu cầu viết ra thì chỉ có khoảng 200 người mà thôi.
Như vậy có thể nói, khi bạn có càng nhiều bạn, có thể bạn đang chìm vào những mối quan hệ ảo. Chia sẻ những vấn đề riêng tư của mình đến hàng trăm, hàng nghìn người xa lạ. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi “những người lạ” đó bình luận hay thả “like” bài viết của bạn hơn là một cuộc gọi điện từ một người bạn thân quen.
Tất nhiên, những người càng dành thời gian nhiều cho mạng xã hội thì sẽ không có nhiều thời gian cho cuộc sống thật, mối quan hệ thật đâu. Vì giới hạn con người mỗi ngày chỉ có 24 tiếng mà thôi!
Con người ngày càng bị mạng xã hội và điện thoại chi phối
Bạn sẽ không khó bắt gặp những người bạn hẹn hò, rủ nhau đi cafe nhưng mỗi người lại cầm một chiếc điện thoại. Thậm chí, có những người, buổi sáng mở mắt ra chưa kịp làm gì thì dành hết 30-60 phút check in mạng xã hội trước, sau đó mới bắt đầu ngày mới của mình.
Bạn có nhớ, thời mà mạng xã hội hay internet chưa phát triển, bạn sẽ thấy những đứa trẻ chúng sẽ biết tìm bạn mình ở đâu vào mỗi chiều mà không cần tới điện thoại hay máy tính. Thế nhưng ngày nay, họ cũng sẽ biết bạn mình ở đâu thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, người ta lại bận với những mối “quan hệ ảo”, có thể dành hàng giờ chat chit chứ chẳng chịu dành thời gian để gặp nhau và nói chuyện. Thậm chí, có đi cafe gặp nhau thì mỗi người lại một chiếc điện thoại.
Mạng xã hội sinh ra là để kéo con người lại gần với nhau, vậy mà con người ngày càng “mù quáng” dành nhiều thời gian cho mối quan hệ xã hội ảo hơn là những cuộc nói chuyện thật.
Có những người một ngày đăng rất nhiều dòng status trên mạng xã hội để tìm sự đồng cảm của những người xa lạ thay vì gọi cho người thân, người bạn của mình để gặp gỡ và chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải. Vì họ không muốn như vậy hay không có ai để cùng họ ngồi lại và chia sẻ ?. Con người càng phục thuộc vào những mối quan hệ ảo thì càng minh chứng cho sự cô đơn của ngoài đời thực.
Bài viết không đánh đồng tất cả mọi người.