Hàng hóa gồm 7,5 tấn các sản phẩm rau củ quả như thơm, khoai mỡ, dưa leo, bí đỏ hồ lô, bí đỏ tròn, chanh của nhà cung cấp Duy Tân, Tuấn Hạn. Được biết, nhà cung cấp mất 4 tiếng đồng hồ để vận chuyển lượng hàng này từ kho, nhà vườn ra trạm để đưa lên tàu.
Nhóm hàng hóa thứ 2 là dưa hấu đỏ (khoảng 5-6 tấn) của Công ty TNHH Thương mại Thắm Định, khoảng 4,5 tấn dưa lưới và thanh long của Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong.
Tàu chở hàng xuất phát từ bến phà Rạch Miễu (Tiền Giang), điểm trả hàng là bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM).
Báo cáo nhanh của Sở Công thương, dịp này, Greenlines DP hỗ trợ vận hành 5 tàu với tải trọng 20 tấn/chuyến. Trung bình mỗi ngày tàu cao tốc thực hiện trước 1 – 2 chuyến và tổng công suất vận tải tối đa 200 tấn/ngày. Các điểm gom hàng tại bến cảng nội địa của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… và điểm trả hàng là bến Bạch Đằng, Q.1, TP.HCM.
Đặc biệt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khu vực 2 sẽ tài trợ toàn bộ nhiên liệu để dùng chở những chuyến hàng này. Theo đánh giá của Sở Công thương, ưu điểm của vận chuyển hàng hóa bằng đường tàu thủy là nhanh hơn đường bộ rất nhiều, ngoài ra đường thủy thông thoáng và ít rủi ro do tiếp xúc thấp hơn nhiều so với các phương tiện đường bộ.
Tuy nhiên, nhược điểm là gia tăng thêm chi phí tải hàng từ xe xuống tàu và từ tàu lên xe. Nên doanh nghiệp đăng kỳ để tải hàng bằng phương tiện này đề nghị cần có đội bốc xếp tự quản và chuyên nghiệp.
Lộ trình di chuyển: Đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → Sông Sài Gòn →Bến Bạch Đằng và ngược lại.
Phương tiện thủy phục vụ vận chuyển là năm tàu cao tốc (SG-7990, SG-8063, SG-8231, SG-8278, SG-8373), sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/tàu.
Chi phí vận chuyển do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: thanhnien.vn