13h trưa, dưới cái nắng của thời tiết Sài Gòn, sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, những thành viên trong đội thiện nguyện BDS kín mít đồ bảo hộ, bắt đầu thực hiện công việc thường nhật: Đi phun khử khuẩn ở nơi phong tỏa, cách ly.
Hơn 10 điểm cần được khử khuẩn trong chiều 25/6 – đó là những gì chú Trần Huy Đăng (49 tuổi, ngụ quận Bình Tân, hay còn gọi là chú Tám Sang) thông tin với các thành viên trong đội thiện nguyện. Có nơi là điểm cách ly tập trung, có nơi là dãy phòng trọ, khu phố, nằm rải rác khắp nhiều quận huyện. Đặc biệt, tất cả khu vực đều có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
“Ban đầu anh em trong đội cũng có chút sợ hãi, lo lắng nhưng vì đã làm việc chung từ lâu, từ đợt bão lũ đến vận chuyển bệnh nhân trên chuyến xe 0 đồng nên mọi người đã vượt qua cái ngưỡng của sự sợ khi thực hiện công việc phun khử khuẩn này. Giờ sợ chỉ còn 1% mà thôi.
Chú sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, khi thành phố bắt đầu xuất hiện chuỗi lây nhiễm Nhóm truyền giáo Phục Hưng, chú đã nảy ra ý tưởng mua máy phun khử khuẩn để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Chú thấy đội ngũ y tế, các y bác sĩ tuyến đầu quên ăn quên ngủ để chiến đấu thì tại sao mình lại không góp một phần sức lực vào công tác phòng chống dịch” , chú Tám Sang nói.
Sau khi nảy ra ý tưởng, chú Tám Sang bắt đầu tìm hiểu, đọc sách báo, mua máy phun khử khuẩn, thuốc men theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để thành lập “biệt đội” khử khuẩn hoàn toàn miễn phí ở Sài Gòn.
Ban đầu, việc liên hệ đến các địa phương có nơi phong tỏa, cách ly, khu phố có nguy cơ cao còn gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần, đội khử khuẩn của chú Tám Sang đã trở nên quen thuộc với các địa phương. Hễ ở đâu cần phun khử khuẩn, chú Tám Sang cùng anh em trong đội tức tốc đến hỗ trợ.
“Chú không nhớ đội của mình đã đi bao nhiêu điểm phong tỏa, cách ly rồi, chỉ nhớ là rất nhiều nơi, như ở quận 10 là nơi nào cũng đi hết. Giờ có nhiều chỗ người ta chủ động gọi điện, đăng ký để mình tới phun khử khuẩn.
Một số nơi thì chú qua báo đài, biết được nơi đó cần nên liên hệ để giúp không khí nơi đó được sạch, được an toàn, hạn chế sự lây lan Covid-19 ra cộng đồng”, chú Tám Sang chia sẻ.
Dù chỉ mới thực hiện được công việc phun khử khuẩn trong vòng 1 tháng nhưng “biệt đội” của chú Tám Sang rất chuyên nghiệp, từ việc bảo vệ bản thân khi tham gia công tác phòng dịch đến pha chế thuốc để phun khử khuẩn.
Chia sẻ về nguồn kinh phí để thực hiện công việc không tên này, chú Tám Sang cho biết đến thời điểm hiện tại, chú đã tự bỏ tiền túi ra khoảng 300 triệu đồng cho việc phun khử khuẩn.
Ngoài việc chi một số tiền lớn để mua trang thiết bị y tế, thuốc men, đồ bảo hộ…, chú Tám Sang còn hỗ trợ anh em trong đội một khoản tiền để trang trải sinh hoạt và lo cho gia đình.
Các điểm khử khuẩn thường là nơi cách ly, phong tỏa, khu dân cư, nhà trọ…
“Đa phần những thành viên trong đội của chú đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh em đều bỏ qua điều đó để cống hiến hết mình cho việc phun khử khuẩn nên chú cũng hỗ trợ cho mọi người. Tiền này là tiền kinh doanh của chú cũng như thu được từ kênh YouTube.
Công việc cũng rất vất vả nhưng chú quyết tâm không bao giờ từ bỏ, chú phải làm đến khi không còn làm nổi nữa thì thôi. Chú cũng động viên anh em trong toàn đội cố gắng, tiếp thêm động lực cho anh em, nhìn các y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu đang nỗ lực chống dịch ngày đêm để có thêm ý chí, sức mạnh hoàn thành công việc này”, chú Tám Sang tâm sự.
Tham gia vào “biệt đội” phun khử khuẩn miễn phí của chú Tám Sang, nhiều anh em trong đội còn rất trẻ, có người phải xa vợ con, cha mẹ để cùng anh em, đồng đội thực hiện công việc này. Nhiều lúc nhớ gia đình, các thành viên trong đội chỉ biết gọi điện qua FaceTime để tâm sự.
“Có nhiều lúc chú thấy anh em nhớ nhà rồi khóc, chú chỉ biết động viên cố gắng, mong dịch bệnh sớm ổn định để mọi người trở lại cuộc sống thường nhật”, chú Tám Sang nói.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: kenh14.vn