Sở Công thương TP.HCM cho biết đã giao cho quận, huyện chịu trách nhiệm xây dựng phương án để tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn thời gian tới, ráo riết gỡ khó cho tiểu thương, trong đó có tâm lý ngại dịch bệnh nên chưa mặn mà quay lại bán hàng.
Nhiều cách thức họp chợ
Sáng 21-7, chợ An Hội (Gò Vấp) đã phải đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số chợ tạm ngưng hoạt động trên địa bàn lên con số 205, chỉ còn 32 chợ đang hoạt động.
Nhằm duy trì hoạt động, các chợ này buộc phải triển khai cách thức “họp chợ” khác nhau để tránh nguy cơ xuất hiện ca nhiễm, đồng nghĩa với việc đóng cửa.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng – trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11), 240 hộ tại chợ này được mở bán theo dạng chia bán ngày chẵn lẻ (mỗi ngày 120 hộ bán), trước khi tăng thêm quy mô nếu công tác tổ chức ổn định.
Tại những khu vực có dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND các địa phương đã tổ chức điểm bán, phân luồng một chiều, kẻ ô, phân chia các gian hàng để bảo đảm giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Hàng hóa được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán và người mua. Các tiểu thương cũng kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung, đảm bảo giãn cách.
Chính quyền địa phương phối hợp ban quản lý chợ phát thẻ ra vào các điểm bán để kiểm soát số lượng, phân bổ người đến theo khung giờ…
Đại diện Phòng kinh tế quận 11 cho biết cả 3 chợ truyền thống trên địa bàn đã tổ chức bán lại ổn định với nhiều mô hình như thí điểm mặt hàng tươi sống tại chợ Phú Thọ, bán hàng lưu động tại chợ Thiếc, và mở bán bình thường tại chợ Bình Thới.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với tiểu thương, đảm bảo nghiêm 5K, phân luồng một chiều… và đang xem xét tăng dần quy mô bán tại các chợ” – vị này khẳng định.
Trong khi đó, ngoài khu bán thực phẩm thiết yếu ở chợ An Đông, quận 5 cũng cho biết đang chỉ đạo ban quản lý các chợ, cơ quan y tế trên địa bàn sớm tổ chức mở bán thí điểm mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh – trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5), chợ khẩn trương đẩy nhanh việc đánh giá về các tiêu chí đảm bảo an toàn dịch để sớm đưa chợ vào hoạt động trở lại.
Cần sớm mở cửa lại các chợ
Sáng cùng ngày, tại buổi kiểm tra hoạt động các chợ truyền thống ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống, chợ đầu mối nhằm giảm áp lực với một số chợ và siêu thị đang hoạt động, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với hàng thiết yếu.
Bởi các hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ đáp ứng 30% nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu của người dân trên địa bàn, 70% còn lại do hệ thống chợ cung cấp.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ TP.HCM trong việc tăng nguồn cung hàng hóa, đồng thời làm việc với bộ, ngành và địa phương liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn trong vận tải hàng hóa thiết yếu, đặc biệt tại 19 tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16.
Đối với hoạt động đầu cơ, tích trữ và tăng giá bán để kiếm lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Hải đề nghị người dân ghi nhận và phản ánh kịp thời để lực lượng quản lý thị trường xử lý.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến ngày 21-7, trên địa bàn chỉ còn 32 chợ hoạt động, trong khi có đến 205 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Trong số 32 chợ đang hoạt động có một số chợ vừa khôi phục hoạt động, gồm chợ Nguyễn Tri Phương và chợ An Đông – khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương (quận 5), chợ Bình Thới và chợ Phú Thọ (quận 11)…
Ngoài ra, có 4 điểm bán nhỏ được quận 12 và huyện Củ Chi tổ chức. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, các quận huyện đang tích cực xây dựng phương án mở bán lại các chợ truyền thống trong điều kiện đảm bảo dịch bệnh.
“Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều quận huyện diễn biến phức tạp nên công tác tổ chức lại các chợ cần thực hiện thận trọng, đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh khi mở cửa chợ” – ông Vũ nói.
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ