Theo Công ty an ninh mạng Check Point tại Tel Aviv (Israel),tính tới thời điểm này,họ đã phát hiện khoảng 1.500 trường hợp mua bán vắc xin trên MXH, tuyên bố có đủ loại vắc xin Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sputnik V.
Từ Âu sang Á
Những người bán vắc xin giả trên mạng này phân bổ tại nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mexico, úc. Trong tháng 4, Công ty Pfizer cho biết đã xác định những trường hợp làm giả vắc xin COVID-19 của hãng này tại Mexico và Ba Lan.
Trước đó, tháng 11-2020, lực lượng chức năng tại Nam Phi đã ngăn chặn cũng như triệt phá đường dây buôn bán vắc xin giả. Khi bị phát hiện, lực lượng chức năng đã đếm được số vắc xin giả lên đến 2.400 liều được cất giữ tại kho
Ông Stephen Kavanagh thuộc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) cũng nhắc tới một số phòng thí nghiệm quy mô nhỏ ở Đông Nam Á có sản xuất vắc xin giả.
Theo các chuyên gia bảo mật của Check Point, tốc độ gia tăng các “nhà bán lẻ” vắc xin trên darknet (mạng của các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm và phải dùng phần mềm đặc biệt để truy cập) rất đáng chú ý.
Nếu tháng 11-2020 họ chỉ xác định được 20 trường hợp rao bán thì vào 1-2021, con số này đã tăng lên gấp 3 lần, và tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 1.500 liều, theo báo Wall Street Journal cho biết
“Tất cả những người bán hàng này đều rất sẵn sàng chuyển hàng tới mọi nơi” – ông Vanunu nói.
Hai chuyên gia Vanunu và Mizrachi của Công ty Check Point đã thử đặt mua thông qua các nhà bán online và thanh toán tiền trước cho họ. Tuy nhiên sau khi thanh toán thì người bán hoàn toàn “mất dạng” và dĩ nhiên hàng cũng không tới tay được người mua
Cũng trong báo cáo này, ông Jurgen Stock – tổng thư ký INTERPOL – nhận định trong thời gian tới, thế giới sẽ tăng thêm các loại hình tội phạm liên quan vắc xin COVID-19. “Chúng ta sẽ chứng kiến các vụ đánh cắp, đột nhập nhà kho và tấn công các lô hàng” – ông Stock cảnh báo.
Nhiều giải pháp
Trong cảnh báo phát đi cuối tháng 3, WHO kêu gọi các nước tiêu hủy an toàn những lọ vắc xin đã dùng để ngăn mục đích phi pháp.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người không mua vắc xin ngoài các chương trình tiêm chủng do chính phủ tổ chức. Mọi vắc xin ngoài chương trình này đều có thể không đạt tiêu chuẩn hoặc là đồ giả, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng” – tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong thông cáo.
Thấy rõ nguy cơ lớn từ vắc xin COVID-19 giả, từ cuối tháng 4, Hội đồng châu Âu nêu ra 13 biện pháp nhằm ngăn chặn và loại bỏ các vắc xin COVID-19 giả trên thị trường.
Trong đó có những biện pháp như tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các nguy cơ có thể gặp nếu mua vắc xin từ các nguồn bên ngoài hệ thống y tế, như mua trên mạng.
Cơ quan hữu trách cũng cần hướng dẫn người dân cách nhận ra việc dán nhãn hay đóng gói không đúng để phát hiện hàng giả.
Một biện pháp nữa là giám sát các giao dịch khả nghi liên quan tới các phương tiện và thiết bị cần để sản xuất và đưa ra thị trường vắc xin giả, trong đó có xilanh, lọ đựng, nắp, dụng cụ đóng nắp, công cụ và thiết bị in ấn (tên nhãn vắc xin COVID-19 hoặc giấy chứng nhận)…
Hãng dược Pfizer cho biết họ đã áp dụng “các biện pháp an ninh mạnh nhất” trong đóng gói sản phẩm để có thể quan sát được những liều vắc xin của họ đang được đưa tới đâu.
Công ty này đang sử dụng các cảm biến nhiệt có gắn định vị GPS và một tháp kiểm soát riêng của Pfizer để theo dõi vị trí cũng như nhiệt độ theo thời gian thực của mỗi lô hàng vắc xin COVID-19 trên toàn lộ trình vận chuyển đã được thiết lập trước. Việc theo dõi này là 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần.
Ảnh : Tổng hợp
Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ