Trước những lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều bài thuốc dân gian được người dân chuyền tay nhằm phòng, chống dịch. Trong đó, loại nước uống từ 3 thành phần chính gồm: chanh, sả, gừng ngày càng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội
. Một số người còn kết hợp đường, mật ong để dễ uống hơn và cho rằng uống càng nhiều sẽ càng phòng được COVID-19.
Như tìm được thứ thuốc thần, các gia đình ồ ạt “săn tìm” sả, chanh, gừng làm cho 3 loại nguyên liệu này ngày càng đắt giá, có thời điểm chúng có nguy cơ bị đứt hàng càng làm người dân nôn nóng tìm mua.
Phân tích rõ về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ – khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – cho biết, đây là bài thuốc dân gian từ lâu được người dân sử dụng để cải thiện sức khỏe phòng cảm lạnh.
Tuy nhiên, chúng vẫn nên được sử dụng dựa theo sự hướng dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không được xem đây là bài thuốc phòng hay chữa trị COVID-19.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, gừng tươi dùng chữa ngoại cảm, đầy bụng, tiêu chảy, ho đàm….; sả có vị cay, tính ấm, giúp tiêu hóa, trị buồn nôn, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm, ấm bụng thường được sử dụng để điều trị cảm lạnh, đau bụng, nhức đầu…; chanh có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, chữa ho, lợi tiêu hóa, có Vitamin C tăng sức đề kháng. Không chỉ nước chanh mà cả vỏ và hạt cũng được xem có tác dụng trị bệnh (trong Đông y dùng thông khí, tiêu đờm, trị ho có đờm).
Vì hiểu lầm về tác dụng của sả, chanh, gừng dành cho các triệu chứng cảm, sốt, ho… của bệnh thông thường gần giống với triệu chứng của COVID-19 nên mọi người xem 3 loại này cũng phòng và trị được bệnh dịch này, từ đó kết hợp, chế biến chúng thành loại nước uống hàng ngày cho gia đình.
Bác sĩ Vũ khuyên “Trước một loại thuốc hay thảo dược nào cũng vậy, nếu sử dụng vô tội vạ trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Như uống quá nhiều nước gừng, có tính nóng sẽ tác động đến dạ dày, tiêu hóa, gây táo bón… chanh và sả cũng gây ra nhiều tác động xấu đến cơ thể khi tính hàn, nhiệt của chúng khác nhau, nhất là uống khi bụng đói”.
Không những vậy, nhiều người cho rằng có thể “khắc chế” tác dụng phụ của sả, chanh, gừng bằng cách kết hợp chúng với mật ong, đường cát, đường phèn, cho loại nước này vào tủ lạnh trẻ con cũng dễ uống hơn.
Trên thực tế, mật ong, đường có tính ngọt, sẽ tạo cảm giác no giả ở trẻ gây biếng ăn, chưa kể người trong gia đình nếu có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính, đái tháo đường không những chưa phòng được bệnh còn tác động xấu đến sức khỏe cả uống ấm lẫn nước mát.
Ngoài ra, sử dụng quá nhiều sả nấu thành nước uống thay nước lọc sẽ làm tăng cảm giác nóng vùng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, thực quản, nóng trong người có thể gây nổi mụn, đổ ghèn, nhiệt miệng…
Việc nấu nước sả với đường phèn nếu uống nhiều sẽ tăng cảm giác khát nước, nguy cơ tăng đường huyết ở những người có bệnh lý về rối loạn đường huyết.
Theo các bác sĩ y học cổ truyền, tính đến nay, ngoại trừ vắc xin ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận và Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, cả Tây y và Đông y chưa có loại thuốc nào có thể điều trị hoặc phòng chống COVID-19.
Mặc khác, trong danh sách thuốc điều trị nâng đỡ cho bệnh nhân COVID-19, cũng không có khuyến cáo dành cho các thực phẩm như gừng, chanh, sả, mật ong… hay các loại thức ăn, thảo dược khác.
Vì vậy, mọi người nên sử dụng sả, chanh, gừng như thói quen về gia vị chế biến thực phẩm hay trong việc ăn uống bình thường, chỉ nên uống xen kẽ trong tuần, bổ sung thêm trái cây, rau xanh để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể. Không nên nấu chung 3 loại này để sử dụng liên tục thay nước lọc.
Bác sĩ khẳng định, các bài thuốc dân gian trên vẫn có thể dùng trong giới hạn cho phép để cải thiện sức khoẻ khi thời tiết giao mùa và giúp tăng cường sức đề kháng, nhưng không được xem đây như là thần dược hay bài thuốc chính để điều trị, phòng ngừa COVID-19.
Lúc này việc cần thiết nhất mà người dân phải làm là cố gắng giữ bình tĩnh, tham khảo, tìm hiểu kỹ các thông tin trên mạng, gọi cho bác sĩ tư vấn kỹ trước khi sử dụng thuốc kể cả thực phẩm chức năng.
Thành phố đang tích cực phòng chống COVID-19, mọi người nên áp dụng nghiêm nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tối đa việc di chuyển, không tập trung đông người, nếu có các triệu chứng sốt, ho, đau họng… phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ.