Các chợ truyền thống được “siết” chặt, nhiều mặt hàng rau củ tăng giá 2021-06-28 04:18:12 Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Ánh Linh Chào mừng bạn đến với bài viết của mình! Các chợ truyền thống được “siết” chặt, nhiều mặt hàng rau củ tăng giá Sau các chợ tự phát, hiện nay các chợ truyền thống cũng có công văn siết chặt nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Chỉ tăng ở chợ truyền thống? Theo thông tin ghi nhận được vào ngày 27/6, giá của nhiều mặt hàng rau củ tại các chợ truyền thống có dấu hiệu tăng đáng kể từ 20 – 30% so với đầu tuần trước. Chẳng hạn như ở chợ Q.12, dưa leo có giá 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với tuần trước, đậu cô ve tăng khoảng 10.000 đồng/kg lên 44.000 – 44.500 đồng/kg. Một số loại củ quả như bắp cải, cà rốt, khoai tây… tăng nhẹ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Còn ở chợ Q7, giá dưa leo tăng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng/kg sau 1 tuần, rau bí từ 30.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg và nhiều loại rau xanh khác cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg hay bó tùy loại. Bà Thoa than: “Rau xanh thì không thể mua để tích trữ nhiều ngày được như các loại hàng khô. Vì vậy khoảng 4 – 5 ngày cũng phải đi chợ hay chạy qua các cửa hàng thực phẩm mua một ít rau tươi mà thấy cứ nhích giá hoài, rầu ghê. Nhẩm sơ sơ là tiền chợ cũng tăng cả triệu đồng cho một tháng, khoảng 20% so với bình thường. May mà mấy đứa con còn nhỏ nên không thích ăn rau nhiều”. Ngoài mặt hàng rau, các loại cá bán tại chợ truyền thống như chợ Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình, Q.11 cũng tăng mạnh, một số mặt hàng cá biển tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Tại chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình), bà Thái – một tiểu thương – thừa nhận giá rau mua về từ các chợ đầu mối tăng nên giá bán ra tăng đến 30%. Chẳng hạn, cà chua tuần trước lấy từ chợ Hóc Môn 15.000 đồng/kg, nay 20.000 đồng/kg, bán ra 25.000 đồng/kg; các loại bí, bầu, đậu que đều tăng từ 10.000 – 15.000 đồng so với tuần trước. “Do dịch Covid-19, xe đi lại khó tài xế chở hàng đi Sài Gòn quay về đều bị cách ly nên chi phí thuê xe cao hơn, hàng hóa tại chợ đầu mối đều tăng 20%, thậm chí không có hàng phải lấy các nơi khác, chi phí vận chuyển nhiều hơn nên giá bán ra tăng”, bà Thái cho hay. Thế nhưng, tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá tương đối ổn định, chỉ có một số mặt hàng có biến động nhẹ như cà chua Đà Lạt tăng 1.000 đồng lên 18.000 đồng/kg, nhưng khổ qua giảm 2.000 đồng xuống 10.000 đồng/kg, đậu cô ve trắng giảm 1.000 đồng xuống 14.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Bình Điền, chỉ có mặt hàng bắp cải tăng 2.000 đồng lên 12.000 đồng/kg, khổ qua giảm đến 7.000 đồng xuống 8.000 đồng/kg, dưa leo giảm 5.000 đồng xuống 6.000 đồng/kg…, theo báo cáo của Sở Công thương ngày 27/6. Giá cả khảo sát tại một số cửa hàng như Bách Hóa Xanh, Co.opMart, Vinmart… cũng khá ổn định. Nhưng các mặt hàng ở đây không đa dạng, chủ yếu là bí, bầu – những loại rau củ có thể để lâu được, không bị hư hỏng. Phụ trách hệ thống Bách Hóa Xanh, bà Nguyễn Thị Ngọc Phương chia sẻ, do chợ tự phát ngưng hoạt động nên lượng khách hàng mua sắm tại hệ thống một tuần qua tăng gấp đôi so với tuần trước. Giá tất cả các loại hàng hóa tại cửa hàng vẫn ổn định. Kể cả các loại rau xanh khoảng giữa tháng 5 tăng giá do mưa lớn, nguồn cung bị thiếu hụt nhưng ngay sau đó đã giảm trở lại và ổn định cho đến nay. Theo tình hình này, lượng khách vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền đang gặp khó trong hoạt động. Điều tiết lượng khách vào chợ Trước đó, ngày 26/6, các chợ truyền thống được yêu cầu phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ để phân luồng lối ra – lối vào, tập trung nhân lực kiểm soát khu vực chính nhằm đảm bảo việc kiểm tra các thương nhân, người lao động cũng như khách ra vào chợ thực hiện đủ các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra, Sở Công thương còn yêu cầu triển khai phương án phân luồng, di chuyển 1 chiều, điều tiết khách vào chợ và đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 1,5m cho những người vào mua hàng. Phát triển thêm phương án phát phiếu vào chợ đối với những chợ có mật độ mua sắm đông, tổ chức cho thương nhân kinh doanh xen kẽ… Biện pháp này đã được áp dụng tại chợ Bình Thới (Q.11, TP.HCM) trong hơn 1 tháng qua, việc này giúp cho công tác truy vết khi có ca F0 xuất hiện. Mặt trước của thẻ ghi số thứ tự, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, mặt sau in thêm QR code, nhằm dễ dàng truy vết. Ai muốn đi chợ, mang chứng minh nhân dân vào đăng ký làm thẻ và được quét mã QR khi vào. Đến nay, chợ Bình Thới đã phát khoảng 11.000 thẻ cho người dân có đăng ký đi chợ. Bắt đầu tạm dừng chợ đầu mối nông sản Hóc Môn Hôm nay (28.6), chợ nông sản thực phẩm Hóc Môn tạm dừng tập kết giao hàng trực tiếp để thực hiện phòng chống Covid-19. Việc tạm ngưng này sẽ diễn ra trong 1 tuần, đến ngày 4.7. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty quản lý chợ Hóc Môn, cho hay do có 4 ca dương tính được phát hiện sau khi thử nhanh người vào chợ ngày 25.6 khiến huyện lên phương án tạm ngưng giao hàng trực tiếp để khử trùng, vệ sinh chợ sạch sẽ. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết đến chiều 27.6, Sở đã có phương án điều tiết hàng hóa trong trường hợp tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Kế hoạch là sẽ tăng cường nguồn cung từ các hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để bổ sung nguồn hàng hóa tạm thời bị giảm do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động. Nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống. Đặc biệt, có thể điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức. Song song đó tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức nhằm thay thế nguồn cung tạm thời giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động và tăng hình thức bán hàng lưu động. Ảnh: Tổng hợp Nguồn tham khảo: thanhnien.vn