“Gọi liên tục, kể cả lúc đi ngủ”
Trường hợp chị Nguyễn Thị Thái Phương – có con học lớp 9 một trường ở quận 1, TP.HCM – kể mấy hôm nay chị “tá hỏa” bởi các cuộc gọi mời học thêm.
Có một lần vào group học thêm toán, lý, hóa trên Facebook bình luận hỏi học phí và để lại số điện thoại. “Sáng gọi, chiều gọi. Thậm chí có hôm chuẩn bị đi ngủ vẫn có người gọi giới thiệu học thêm.
Học phí khóa online cho một tuần hai buổi, mỗi buổi 1 tiếng rưỡi có trung tâm 1,8 triệu đồng, có trung tâm từ 2 – 2,5 triệu đồng tùy số học sinh trong lớp. Trung tâm nào cũng kêu ưu đãi hấp dẫn, giáo viên có “tiếng”. Tôi đang không biết chọn học ở đâu” – chị Phương băn khoăn.
Ngay sau khi nhận lời “ngay và luôn” với một telesale (nhân viên bán hàng qua điện thoại) ở trung tâm dạy thêm tại quận Tân Phú, chị T.Thanh (con học lớp 11, quận Tân Phú) đóng tiền rồi mới biết mình bị lừa.
Chị Thanh bức xúc “Tôi đóng 3 triệu đồng cho một khóa của học kỳ 1. Hôm đầu tiên học không thấy thầy giáo T.H.M. như giới thiệu đâu mà là một giáo viên rất trẻ.
Tôi hỏi trung tâm thì được trả lời thầy M. bận việc nên offline. Đến buổi 5 – 6 vẫn thầy giáo trẻ này, tôi gọi thì trung tâm chặn số điện thoại phụ huynh.
Tôi biết mình đã bị lừa nhưng lỡ đóng tiền. Mấy triệu đồng trong ngày dịch bằng chục triệu trong ngày thường nhưng học không chất lượng khác gì đày đọa con, nên tôi bỏ ngang”.
Hay trường hợp anh N.V.Tri (có con học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM) do con học năm cuối cấp, để con thi tốt nghiệp THPT, xét đại học nên anh đã đăng ký cho con học môn văn từ một fanpage anh thấy trên mạng.
Vào tìm đọc, anh thấy rất nhiều nhận xét, bình luận khen. Hai hôm sau khi đóng 2,5 triệu đồng/2 tháng cũng là lúc anh Tri biết mình đã bị mắc “bẫy”.
Anh Tri kể lại “Nơi đây giáo viên dạy các trường THPT có và có cả sinh viên sư phạm năm cuối, giáo viên mới ra trường. Rao với phụ huynh học phần mềm có trả tiền bản quyền nên không như học phần mềm miễn phí ở trường.
Thế mà học bị “văng” liên tục. Phản hồi thì không trả lời, comment (bình luận) vào fanpage thì bị xóa và chặn”.
Phụ huynh cần cân nhắc kĩ lưỡng
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, lý giải: “Chuyện nở rộ các khóa dạy thêm online đã phản ánh rằng học online chính khóa không đáp ứng được một số nhu cầu riêng biệt của học sinh, gia đình.
Các lớp dạy thêm online xuất hiện là sự vận động tự nhiên của nền giáo dục. Để cha mẹ chọn được chương trình có ích cho con mình, đầu tiên cần cân nhắc khi lựa chọn. Phải dựa trên nhu cầu của con em, cái gì thực sự cần và phù hợp ở hiện tại”.
Nói về tâm lý phụ huynh muốn bù đắp thêm kiến thức cho con. Bình thường sáu tiết toán, giờ online có ba tiết nên để con không bị hụt buộc phải học thêm.
Bà Uyên Phương nhấn mạnh “Phụ huynh cần lưu ý sức khỏe của con, tương tác xã hội, các hoạt động mang tính giải trí nữa. Những môn chính như toán, văn, lý, hóa, gần như là mối quan tâm của trường chính khóa rồi.
Giáo dục đứa trẻ đâu phải là đổ, rót cho đầy kiến thức mà thôi. Các con cần hoạt động khác, vui chơi, sự tương tác, nhiều khi mang lại tinh thần tốt hơn, mang lại điểm số tốt hơn khi con học thêm. Để lựa chọn, cần chú ý uy tín của đơn vị giáo dục.
Có nhiều trung tâm, đơn vị chỉ cần hai thứ giáo viên, phần mềm rồi nhân cơ hội, tham gia lĩnh vực giáo dục theo kiểu “lướt ván”, đánh nhanh rút gọn để kiếm tiền. Phụ huynh cần tỉnh táo”.
Theo ông Phan Lê Khôi, giảng viên Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, cũng cho rằng tâm lý muốn cho con học thêm là tình trạng chung, kể cả khi chưa giãn cách xã hội.
“Vì giãn cách xã hội nên nỗi lo, sự sợ hãi của phụ huynh tăng lên như lo tụt hậu, lo con mình mất cơ hội. Tâm lý lo lắng càng lớn nên sẵn sàng học thêm, sẵn sàng đăng ký để giữ nhịp cho con không bị thua bạn bè.
Học online là cơ hội mới nên phụ huynh đón nhận và không có lựa chọn khác, buộc phải lựa chọn học thêm online khiến tính thận trọng bớt đi. Phụ huynh bị cuốn hút bởi các lời đề nghị, các lời mời chào nào rẻ nhất, hợp nhất, hay nhất nên việc bị “dụ” sẽ xảy ra.
Sự hoảng loạn giữa một rừng thông tin tốt xấu lẫn lộn, tính thận trọng, thông minh, tỉnh táo không còn nhiều” – ông Khôi nhìn nhận.
Điều quan trọng để biết đúng sai, thật giả, tốt xấu từ các quảng cáo học thêm, ông Khôi nhấn mạnh phụ huynh cần bình tĩnh xem xét lại nhu cầu.
Ông Khôi nhận định “Cha mẹ xem lại con có thực sự cần môn đó hay không rồi đi đến bước nữa là tỉnh táo rà lại trung tâm, giáo viên đó hay cách mà họ tổ chức có bài bản không.
Có sẵn sàng trả tiền cho môn học đó không. Nhu cầu là có nhưng giáo dục con không hẳn là kiến thức mà cần tỉnh táo để biết con cái cần gì nhất, chứ không phải con cái cần học gì nhất”.