Biệt đội taxi chở F0: ‘Đánh cược từng phút, mong cứu kịp bệnh nhân’
Duy Nguyễn Hi ! Welcome to My World. Duy Nguyễn Hi ! Welcome to My World.
Nhận cuộc gọi, biệt đội taxi cấp cứu F0 ở TP.HCM tức tốc mặc đồ bảo hộ, ôm bình oxy lên xe chạy đi. Nhiều bệnh nhân rơi vào hôn mê, mất ý thức đã kịp thời được đội tiếp oxy, chở đến bệnh viện cấp cứu.

Nguyễn Minh Hoàng (24 tuổi, sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vừa nghe điện vừa nói: “Dạ alo, mình là người nhà bệnh nhân F0 N.T.B (68 tuổi) rơi vào hôn mê, có tiền căn cao huyết áp, bệnh tim mạch phải không chị ơi. Chị thử bấu xem cô có phản xạ gì không ạ? Chị kê cao gối ở phần đầu và lưng cho bệnh nhân dễ thở. Xe em tới ngay“. Kết thúc cuộc gọi Hoàng cùng ông Nguyễn Đức Dũng (52 tuổi, tài xế taxi Mai Linh) tức tốc mặc đồ bảo hộ rồi lên xe.

Khi đến hẻm 1716 đường Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè, TP.HCM), Minh Hoàng vội vàng xuống xe, ôm bình oxy chạy vào nhà bệnh nhân F0 theo địa chỉ nhận được. Khi đến nơi bệnh nhân đã hôn mê 2 tiếng, lay gọi không phản xạ, bình oxy có sẵn trong nhà đã hết, Hoàng lập tức thay dây oxy qua bình vừa mang vào. 15 phút sau, SpO2 của bệnh nhân từ 45% tăng lên 61%, bệnh nhân dần hồi tỉnh.

Hoàng báo lại trung tâm cấp cứu 115, 60 phút sau, trung tâm báo đã sắp xếp được với BV Q.7, xe taxi mới bắt đầu vào trong hẻm để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Chưa đầy 10 phút, xe đã đậu trước cửa phòng cấp cứu.
Một bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít thông báo qua ô cửa xe: “Hiện tại bệnh viện đang thiếu oxy, hai nữa là không có chỗ nằm, nhập viện giờ là phải nằm dưới sàn, nằm đất. Nếu người nhà chấp nhận, đồng ý ký tờ giấy thì bác sĩ cho vô, còn oxy thì không thể đảm bảo được, bệnh viện quá tải rồi”.

Minh Hoàng tiếp tục xem các chỉ số hiển thị của bệnh nhân và liên tục nhắc bà B. thở đều, bình tĩnh, “cố lên nha cô” – Hoàng liên tục động viên. Bên dưới, tài xế Dũng động viên gia đình: “Cứ ký đi chị, đợi bệnh nhân khác chuyển đi khu khác thì sẽ có bình oxy cho nhà mình”.
Sau khi đưa bệnh nhân nhập viện thành công, Hoàng trở ra xe chia sẻ: “Em cảm thấy mừng lắm, tinh thần rất sảng khoái vì vừa cứu được một mạng người. Đây chắc là cảm giác mà các y bác sĩ cảm nhận được, làm động lực tiếp tục với nghề, dù có cực thế nào đi nữa“.

Ông Dũng cũng chia sẻ: “Cứu bệnh nhân tỉnh lại, rồi đưa họ đến được bệnh viện tiếp nhận là điều vui nhất với anh em tôi. Không còn gì vui hơn bằng mình cứu được một mạng người. Vì tôi là người Sài Gòn, phải có trách nhiệm với cộng đồng, góp chút sức để cùng TP chống dịch”.

Ông nhớ lại những ngày đầu tiên chở bệnh nhân F0: “Cuốc đầu tiên chúng tôi phải mất 3,5 tiếng vì phải chờ Trung tâm cấp cứu 115 sắp xếp được với bệnh viện còn chỗ để nhận bệnh. Suốt thời gian đó, chúng tôi phải cho bệnh nhân thở bằng oxy chuyển bệnh được trang bị. Bệnh nhân vào được nhập viện, anh em tôi rưng rưng vì cứu được một người. Giờ thì dù taxi cấp cứu kéo dài 14 ngày hay 1 tháng anh em tôi vẫn đi, không sợ nữa đâu”.

Điều dưỡng tại Q.Bình Tân chia sẻ: “Mặc đồ bảo hộ rồi là không được uống nước nữa. Cổ họng khát khô, mồ hôi thì ra như tắm ướt sũng cả bộ đồ, nhưng cũng chưa thấm tháp gì với bác sĩ ở phòng hồi sức, họ phải mặc liên tục 8 tiếng như vậy, nhịn ăn, nhịn vệ sinh, nhịn nước. Chúng tôi dù được địa phương hỗ trợ cơm theo bữa, nhưng về đến điểm tập kết uống nước lưng bụng xong khỏi ăn cơm, khuya đói mỗi người làm gói mì cho ấm bụng, vậy cũng qua bữa.
Cứ 3 ngày anh em tôi lại test nhanh Covid-19. Mỗi lần test hồi hộp như dò số trúng độc đắc. Mỗi đứa một góc, không ai nhìn ai, không ai dám nói chuyện với ai hết, rất là lo. Đúng 15 phút là 1 2 3 ba anh em chạy tới nhìn kết quả, vỗ tay la làng”.

Càng về khuya, khu vực tập kết càng vắng lặng, mỗi người ôm một chiếc điện thoại gọi về gia đình, đây cũng là những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của biệt đội taxi cấp cứu F0 tại TP.HCM.